• Trang chủ
  • Tin tức dòng họ
  • Hội thảo khoa học Chung tay bảo vệ Môi trường và sức khỏe cộng đồng góp phần phòng, chống đại dịch covid-19

Hội thảo khoa học Chung tay bảo vệ Môi trường và sức khỏe cộng đồng góp phần phòng, chống đại dịch covid-19

PV: Hoa Anh

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chung tay bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, góp phần phòng chống đại dịch Covid-19” được tổ chức thành công tốt đẹp vào ngày 31/10/2020 tại Hội trường Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng, số 8 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, viện sĩ, doanh nhân và các thầy thuốc, lương y tiêu biểu qua nhiều bài viết về nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Hội thảo giúp chúng ta nâng cao hơn nữa về nhận thức và hành động trong việc thực hiện hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần phòng chống đại dịch Covid-19. Hội thảo do Hội Bảo vệ Môi Trường và Sức khỏe Việt Nam  với Viện nghiên cứu Khoa học Nhân tài và Nhân lực đồng phối hợp tổ chức.

Để động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19, trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức tuyên dương trao tặng Bằng khen và Chứng nhận “Đơn vị Xanh – Sạch – Đẹp và phát triển bền vững” cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Ý NGHĨA CỦA HỘI THẢO

Dịch Covid -19 là đại dịch truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, gây hậu quả nặng nề về người và kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Bệnh khởi nguồn từ cuối tháng 12, năm 2019, từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân.Tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại Thành phố Vũ Hán – Trung Quốc. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Ngày 23/1/2020, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Trước tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có chỉ đạo công tác phòng chống dịch kịp thời, quyết liệt, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc’’ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân cả nước. Vì thế, ổ dịch nhanh chóng được khống chế. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, đến ngày 25/7/2020, nước ta phải đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, dữ dội hơn lần một, với tâm chấn là thành phố du lịch Đà Nẵng. Đặc biệt, lần này virus SARS-CoV-2 tấn công vào vị trí xung yếu nhất là cơ sở y tế, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân nặng có bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, bằng những chiến lược có tính kế thừa và những kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, một lần nữa Việt Nam đã vượt qua thách thức, đẩy lùi và ngăn chặn được nguy cơ đại dịch lây lan ra diện rộng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Covid-19 phát động đợt thi đua đặc biệt trong toàn ngành Y dược về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế kêu gọi Tổng hội Y học dược Việt Nam và các tổ chức thành viên, Công đoàn Y tế Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức chăm sóc sức khỏe  dựa vào cộng đồng cùng đoàn kết, hành động vì mục đích cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Với ý nghĩa đó, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt trong toàn ngành Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 31/10/2020 Hội Bảo vệ Môi trường và Sức khỏe Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, nhân lực đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học, với chủ đề: CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG  VÀ SỨC KHỎE CỘNG ĐỘNG, GÓP PHẦN PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID -19.

CÁC THAM LUẬN KHOA HỌC TẠI HỘI THẢO

Tại Hội thảo lần này, các đại biểu tham dự được lắng nghe các nhà khoa học, các thầy thuốc trình bày các tham luận của mình về chủ đề Chung tay bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng góp phần phòng chống đại dịch Covid-19.

TS.Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã trình bày bản tham luận đầu tiên: Những điều cần rút ra từ lịch sử tiếp cận vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chủ tịch Sinh cho rằng, chủ đề của Hội thảo lần này rất hay và bổ ích nhất là được tổ chức vào bối cảnh Covid-19 đang hoành hành. Sau khi điểm qua vài nét về lịch sử tiếp cận bảo vệ môi trường, TS. Nguyễn Ngọc Sinh nhấn mạnh những việc cần làm của VACNE, đó là: Chung tay bảo vệ môi trường; Bảo tồn Cây Di sản; Kiến nghị khẩn trương nghiên cứu và ban hành Chiến lược Quốc gia Huy động sức mạnh cộng đồng Bảo vệ môi trường, Phát triển bền vững, và Ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Tiếp theo, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học Asean – Phó Chủ tịch VACNE trình bày tham luận, với tiêu đề: Phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo GS Huỳnh, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có ba công cụ là kinh tế, pháp luật và đạo đức văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc điều chỉnh hành vi của con người với thiên nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tình trạng đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, bởi vậy chúng ta thường nói: Hãy bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong mọi lúc, mọi nơi. Để minh chứng cho điều đó, GS. Đặng Huy Huỳnh đã dẫn không ít những câu văn, bài thơ hay của các nhà thơ Việt Nam, trong đó có các nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bính – Nhà thơ của làng quê Việt Nam từ thế kỷ trước. Chẳng hạn hai câu thơ thất ngôn: Mùa xuân là cả một màu xanh / Giời ở trên cao, lá ở cành. Hay là hai câu thơ lục bát: Xanh cây, xanh cỏ, xanh đồi / Xanh trời, xanh núi, da trời cũng xanh.

Chính vì vậy, bản tham luận của GS.TS. Đặng Huy Huỳnh truyền tải vấn đề khoa học tưởng như khô khan, cứng nhắc nay lại có sức cuốn hút, dễ đi vào lòng người, đã truyền cảm hứng tới người nghe, khiến người nghe tiếp nhận bản tham luận của GS về vấn đề môi trường và sức khỏe một cách dễ hiểu, đầy cảm xúc.

Tại Hội thảo này, GS. Đặng Huy Huỳnh còn bày tỏ sự tin tưởng vào bản lĩnh chính trị vững vàng của đại gia đình báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Môi Trường & Sức khỏe dưới sự điều hành sáng tạo, năng động của Cựu chiến binh – Đại tá, TS. Nhà báo Võ Tỉnh – người con của quê ương Xô Viết – Nghệ Tĩnh anh hùng, luôn luôn suy nghĩ  để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe vì hạnh phúc của nhân dân.

Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự  còn được lắng nghe nhiều bài tham luận có giá trị không chỉ về nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị thực tiễn. Đó là: Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam của Nhà giáo Nhân dân. GS. TSKH. Trần Công Khánh – Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền; Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư của TS.Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường và phát  triển bền vững ở vùng xung yếu trong biến đổi khí hậu của TS.Võ Chí Trung – Chuyên gia Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển, Viện Nghiên cứu Môi trường Việt Nam; Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của Thạc sĩ Ngô Thế Nghị – Giảng viên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Một số ý kiến về vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19 của TS. Bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng; Nghiên cứu khoa học về đề tài thuốc Đông y chữa Covid-19 của GS.TS danh dự Lương y Lãng Hán Tiên – Giám đốc Nhà thuốc Phượng Hoàng, Thái Nguyên; Luận cương về Đông y, Y học cổ truyền của GS.TS danh dự  Lương y Đoàn Văn Đức – Giám đốc, phòng Chẩn trị  YHCT Nhân Nghĩa 13, TP. Hồ Chí Minh; Y học cổ truyền gắn liền với chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường; Nghiên cứu ứng dụng điều trị bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư vú bằng dược liệu tự nhiên của GS.TS danh dự Lương y Lương Đức ChỉnhPhó Viện, trưởng Viện Y Dược học cổ truyền Thái Nguyên; cuối cùng là tham luận của Lương y Phạm Khắc Tỉnh- Chủ nhiệm, Nhà thuốc gia truyền Phạm Khắc Tỉnh trình bày về: Quan điểm về đa dạng sinh học và tiềm năng cây thuốc ở Việt Nam. Từ nhiều năm hành nghề, lương y nhận thức rõ người thầy thuốc Đông y không chỉ có cái tâm mà còn không ngừng rút ra từng phương thuốc chữa cho người bệnh; không chỉ học hỏi ở nền khoa học hiện đại, học ở các bậc danh y, mà còn học cả ở bệnh nhân … Đáng lưu ý, trong bài tham luận có đề xuất kiến nghị: Trong lúc dịch Covid-19 chưa có phương thuốc đặc hiệu, cần khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam kết hợp với các lương y giỏi phát triển các bài thuốc để góp phần vào sự nghiệp chống dịch hiện nay.

KẾT LUẬN HỘI THẢO

TS. Nhà báoVõ Tỉnh – Đồng Trưởng Ban Tổ chức đã kết luận Hội thảo: “Hội thảo đã hội tụ được nhiều nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về môi trường. Các bài tham luận khoa học của các đồng chí càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch Covid-19,  không những có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị thực tiễn để hướng tới cộng đồng và phục vụ nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, các bài tham luận của lương y về cây thuốc quý  chữa bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra, như: Chữa bệnh ung thư, giải quyết các bệnh về gan, phổi, thần kinh … Rất mong các lương y tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các bài thuốc Đông y quý để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thông qua các bài thuốc quý hiếm phát hiện những cây thuốc quý để có quy hoạch bảo vệ di thực các loài cây dược liệu quý hiếm, để di thực các loại cây thuốc không thì sẽ bị mai một…”…

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024