Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất là giải pháp then chốt nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập phát triển hiện nay. Sản phẩm nông nghiệp đầu tiên phải là sản phẩm sạch mới có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế.

Những việc phải làm là: [1]

– Tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

– Hạn chế và loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Một trong những loại hình sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm môi trường hàng đầu là sản xuất các sản phẩm nhựa và nilon. Mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa; mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon; 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần.

– Khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển ngành nông nghiệp xanh và xây dựng nông thôn mới.

– Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ [1]

Nền nông nghiệp hữu cơ  lấy các “sản phẩm phụ” của nông nghiệp và chất thải của các sinh vật làm phân bón, thực hiện một nền sản xuất nông nghiệp vừa có thể bảo vệ độ phì của đất, vừa có thể bảo vệ sản lượng nông sản. Nền nông nghiệp hữu cơ dùng phân hữu cơ và các rơm rác, phân xanh, phân của gia súc, gia cầm để sản xuất. Không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà dựa vào những sinh vật trong hệ thống sinh thái tự nhiên để khống chế các loài sâu bệnh.

Các nhà khoa học còn phát hiện, trồng xen kẽ các loại đậu, loại cây hạt nhỏ với ngô và đậu đũa để hỗ trợ lẫn nhau thì có thể hạn chế cỏ dại, khiến cho đất đai ít bị xâm thực, cải thiện kết cấu đất.

Vì nền nông nghiệp hữu cơ không gây ô nhiễm cho môi trường, cho nên mấy năm gần đây ngày càng được nhiều nước coi trọng và ứng dung. Với sự thúc đẩy của các nông trường hữu cơ này rất nhiều thực phẩm xanh không bị ô nhiễm, những bánh kem, bánh bao và bích quy dùng nguyên liệu là thực phẩm hữu cơ làm nên và những loại rượu dùng men nho hữu cơ sản xuất. Sữa của các nông trường hữu cơ sẽ được chế biến thành phomat…

Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp mà loài người quyết tâm dùng “kỹ thuật tự nhiên” để tạo nên loại đất “khỏe hơn”, sản xuất  ra “loại thực phẩm sạch”. Nhưng nền nông nghiệp hữu cơ được có một số nhược điểm như chưa lợi dụng đầy đủ các nguyên lý sinh thái học để tiến hành sản xuất, hiệu suất năng lượng của nó của thấp, còn chờ tiếp tục được cải tiến, nâng cao.

– Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái [1]

Nông nghiệp sinh thái là loại hình nông nghiệp mới tuân theo nguyên lý sinh thái học và kinh tế học. Nó vận dụng phương pháp hệ thống hiện đại, lợi dụng mối quan hệ tương sinh, tương tác giữa các loài, xây dựng nên một hệ thống sinh thái nông nghiệp có thể tự duy trì, đầu vào ít, sản lượng cao.

Nông nghiệp sinh thái vận dụng nguyên lý mỗi loài thực vật trong hệ sinh thái đều có vị trí riêng của mình, tận dụng đầy đủ phạm vi không gian, làm cho lúa và hoa màu lợi dụng được tối đa năng lượng của mặt trời. Các cây trồng của nông nghiệp sinh thái được trồng xen kẽ, lồng ghép để tăng thêm mức độ tận dụng nhiệt độ, ánh sáng, nước và phân. Ví dụ cây ngô cao, lá to, đòi hỏi ánh nắng mạnh, bộ rễ phát triển cần nhiều nước và phân; còn đậu và lạc cây thấp, lá nhỏ, bộ rễ cạn, không cần ánh nắng mạnh và có thể cố định đạm. Trồng xen kẽ chúng với nhau không những sẽ tăng thêm hiệu suất sử dụng các tầng đất và không gian mà còn nâng cao mức độ thông gió và chiếu sáng của ruộng, khiến cho các loài cây đều được thoả mãn yêu cầu riêng của chúng. Nông nghiệp sinh thái còn thúc đẩy các loài sinh vật “cộng sinh” tương hỗ cho nhau. Như thế sự sinh trưởng của loài cây này trong hệ thống sẽ thúc đẩy các loài sinh vật “cộng sinh” tương hỗ cho nhau.

– Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão lụt, an toàn hồ đập.

+ Các giải pháp chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn cho dân cư, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

+ Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai và an toàn đập thông qua việc hiện đại hóa quản lý công trình và áp dụng công nghệ dự báo, cảnh báo giảm thiểu rủi ro, thiên tai.

–  Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.  Ước tính đến năm 2050, nền nông nghiệp cần tăng năng suất 60 – 110T để đáp ứng nhu cầu lương thực trong khi diện tích đất nông nghiệp mở rộng mới chỉ tăng dưới 5%.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Cả nước hiện có 47 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 vùng nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao được công nhận. Ngoài 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang đã được thành lập, hiện Thủ tướng Chính phủ đang xem xét thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng.

Các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau)… Điều này đã làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững.[2]

Những năm gần đây, các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh xây dựng các khu, vùng và mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao. Dù sự phát triển của ngành nông nghiệp có đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao, được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố, trong đó, 06 khu có quy mô diện tích hơn 400ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương. Nhiều địa phương cũng đang chuẩn bị thu hút dn vào đầutư hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, chính sách và các quy định pháp luật đã được ban hành khá đầy đủ tạo thuận lợi cho dn đầu tư vào lĩnh vực này, như: Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 2441/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển  sản phẩm  quốc gia đến năm 2020…

Đáng chú ý, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ 13 dn thực hiện các nhiệm vụ liên quan lĩnh vực nông nghiệp, với tổng kinh phí là 275,643 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được lựa chọn theo hướng ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất  nông nghiệp sạch, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng của  sản phẩm. Cơ chế, chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp. Từ năm 2008 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 261,2 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông – Nam Á và thứ 15 trên thế giới. [1]

Nhà kính quang điện – phương thức sản xuất  nông nghiệp mới [3]

Nhà kính quang điện là nhà kính được lắp đặt thêm các tấm pin mặt trời trên mái, hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh và trồng cây công nghệ cao.

Mô hình nhà kính quang điện được nghiên cứu từ năm 2000 và hiện vẫn dandg được tiếp tục hoàn thiện. So với nhà kính, nhà lưới thông thường thì nhà kính quang điện giúp tiết kiệm tài nguyên đất, có lợi cho sự phát triển của các dự án nông nghiệp hiện đại và tăng thu nhập kinh tế địa phương; không làm hạn chế khả năng hấp thụ ánh sáng của cây trồng mà ngược lại, với các nghiên cứu về vật liệu mới, công nghệ mới, các nhà khoa học có thể tạo ra các tấm quang điện có khả năng hấp thu chọn lọc ánh sáng, nghĩa là chúng hấp thu một số bước sóng ánh sáng mà cây trồng không dùng để quang hợp, đồng thời cho phép ánh sáng giúp cây trồng quang hợp đi xuyên qua. Việc sử dụng các nhà kính quang điện không chỉ gúp tạo ra điện năng cung cấp cho các nhu cầu vận hành nhà kính (hệ thống sưởi, chiếu sáng, tưới nước…) mà điện năng dư thừa có thể sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt khác, giúp tiết kiệm điện và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Mặc dù các nhà kính quang điện có chi phí xây lắp cao nhưng không thể phủ nhận những ưu điểm mà nó mang lại cho canh tác nông nghiệp trong tương lai, đặc biệt ở những nơi thiếu diện tích đất canh tác, thiếu nguồn nước ngọt và thiếu nguồn điện sản xuất.

Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam [2]

Theo các chuyên gia, để xây dựng nền nông nghiệp thông minh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất  hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu; phấn đấu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2025 và 50% đến năm 2030 cần tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp.

Đó là đồng bộ cơ chế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cần có cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; các cơ chế, quy chế phối hợp, liên kết viện, trường và doanh nghiệp để thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ tích hợp trên nền tảng công nghệ số vào một số lĩnh vực trọng điểm về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp, hình thành nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản xuất quy mô hàng hóa…

Và một trong các giải pháp hết sức quan trọng là phải đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm đưa những tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới trong nông nghiệp vào áp dụng; phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, sản phẩm nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thịnh vượng.[2]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. TS Nguyễn Đức Khiển “Đưa khoa học công nghệ đến với nông dân”, Báo điện tử Môi trường Đô thị tháng 11/2020.
  2. Thu Hằng ,“Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, HNM 24/11/2020.
  3. Trâu Nhân, “Nhà kính quang điện, phương thức sản xuất nông nghiệp mới”, HNM 24/11/2020.

PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội 

Nguồn: Tạp chí Môi trường và Sức khỏe

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024