GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT MỘT CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI VIẾT VỀ NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ CỦA NHÀ MẠC TRÊN VÙNG ĐẤT CAO BẰNG VÀ TRUNG QUỐC

TS. Nguyễn Hữu Tâm
GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc
Trường Đại học Đại Nam

Nghiên cứu về triều Mạc, một triều đại mà dưới quan điểm của các nhà sử học phong kiến coi là “Ngụy triều”, “Nhuận triều” là “Thoán ngôi” hay “Thoán nghịch” đã được khởi động từ những năm 80 của thế kỷ XX. Cho đến nay (2023) đã có gần 3 thập kỷ giới khoa học hiện đại đầu tư công sức để sưu tầm, phát hiện, khám phá và cũng đã thu được nhiều thành quả đáng kể. PGS.TS. Trần Thị Vinh, người biên soạn cuốn sách “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc- Hơn 20 mươi năm nghiên cứu và nhận thức” xuất bản lần đầu năm 2013 và được tái bản lần thứ nhất năm 2016, có “ thâm niên” và “thâm canh” tìm hiểu triều Mạc, họ Mạc từ những ngày đầu tiên đã tổng kết lại quá trình nghiên cứu và nhận thức của giới nghiên cứu lịch sử và của bản thân tác giả như sau: “Để có được những nhận xét và đánh giá khách quan đúng mực về một vương triều đã từng bị lên án và sử sách cho xuống phần Phụ chương như triều Mạc, thì giới nghiên cứu khoa học lịch sử đã phải mất hơn một phần tư thế kỷ tìm tòi nghiên cứu, phát hiện và khám phá mới tiếp cận chân lý khách quan để đưa nhà Mạc trở về đúng vị trí đích thực của mình” .
Trong phần cuối của chương Tổng quan tình hình nghiên cứu về Nhà Mạc và Thời đại nhà Mạc…”, tác giả cuốn sách đưa ra một nhận định mở đối với việc nghiên cứu này “… Cho đến ngày hôm nay (2016), việc nghiên cứu về nhà Mạc vẫn chưa có dấu hiểu dừng lại…Hy vọng trong tương lại, Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc sẽ tiếp tục được nghiên cứu, được nhận thức và được đánh giá sâu sắc hơn của giới khoa học khi có thêm những nguồn sử liệu mới” .
Hưởng ứng lời hiệu triệu của nguyên Trưởng phòng nghiên cứu lịch sử cổ đại, trung đại Viện Sử học, Cô giáo hướng dẫn Luận án Tiến sĩ của tôi (NHT), PGS.TS. Trần Thị Vinh, chúng tôi xin được giới thiệu khái quát một cuốn sách của GS.TS. Ngưu Quân Khải về nghiên cứu triều Mạc trong thời gian tại Cao Bằng (1593-1677) và thời kỳ sau năm 1677 khi tàn dư của họ Mạc sau khi bị triều Lê- Trịnh tiêu diệt phái chạy sang Long Châu Trung Quốc, mà tác giả Ngưu Quân Khải mệnh danh là thời kỳ Hậu Cao Bằng.
Việc nghiên cứu về triều Mạc và họ Mạc tại Trung Quốc có chậm hơn ở Việt Nam. Nếu những năm 80 của thế kỷ XX đã bắt đầu dấy lên phong trào tìm hiểu để “chiêu tuyết” cho triều Mạc và đi sâu nghiên cứu những cống hiến của triều Mạc và họ Mạc cho lịch sử dân tộc, từng bước xác định được vai trò chính thống của triều Mạc… thì đến những năm 90 của thế kỷ XX và nhất là từ sau khi bước sang thế kỷ XXI, học giới Trung Quốc bắt đầu lần lượt đưa ra những nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn để tìm hiểu triều Mạc, quan hệ giữa triều Minh, triều Thanh với triều Mạc…. Phần lớn các công trình nghiên cứu, luận văn, luận án đều mới chỉ nhìn nhận quan hệ giữa triều Minh-Mạc hay triều Thanh – Mạc trên một lĩnh vực cụ thể như quan hệ giáo dục khoa cử, quan hệ triều cống…Riêng sách của Ngưu Quân Khải lại có những phát hiện mới và có hướng đi sâu một cách toàn diện, đồng thời đưa ra quan điểm nhận định khác với nhiều học giả. Vì vậy, chúng tôi thấy cần thiết để giới thiệu với đông đảo bạn đọc quan tâm đến lịch sử triều Mạc nói riêng và quan hệ lịch sử Việt Nam – Trung Quốc nói chung. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn bổ sung thêm vào hệ thống tư liệu với quan điểm của một học giả nước ngoài khi tìm hiểu về triều Mạc, họ Mạc. Từ đó có thể thông tin cập nhật đến học giới trong nước về tình hình nghiên cứu lịch sử Việt Nam của các nước xung quanh.
Tác phẩm《王室后裔与反乱者-越南莫氏家族与中国关系研究》(Hậu duệ hoàng tộc và kẻ phản loạn – Nghiên cứu quan hệ gia tộc họ Mạc Việt Nam với Trung Quốc), sau đây chúng tôi gọi tắt là Hậu duệ….
Tác giả Ngưu Quân Khải, Giáo sư, Tiến sĩ khoa Lịch sử Đại học Trung Sơn, Sở nghiên cứu Đông Nam Á…có thâm niên nghiên cứu về Lịch sử Đông Nam Á với nhiều bài viết, công trình nghiên cứu lịch sử cổ đại Đông Nam Á…về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thời cổ, đặc biệt quan hệ giữa triều Minh và triều Mạc, các luận văn tiêu biểu như:《安南莫朝与中越关系制度的变化》( “Sự thay đổi của triều Mạc An Nam (Việt Nam) với chế độ quan hệ Trung Việt”); 《安南莫氏高平政权初探》 “Bước đầu tìm hiểu chính quyền Cao Bằng của họ Mạc An Nam” ;《安南莫氏高平政权与明清两朝的关系》 “Quan hệ giữa chính quyền Cao Bằng của họ Mạc An Nam (Việt Nam) với hai triều Minh, triều Thanh”;《南明与安南关系研究》,”Nghiên cứu quan hệ giữa triều Nam Minh và An Nam (Việt Nam)”;《三跪九叩与五拜三叩:清朝与安南的礼仪之争》(Tranh luận về nghi lễ “Ba lần quỳ, chín lần khấu đầu” hay “Năm lần vái lễ, ba lần khấu đầu” giữa triều Thanh và An Nam (Việt Nam)”…
Sách Hậu duệ được hình thành trên cơ sở Luận án TS của tác giả Ngưu Quân Khải với tiêu đề《朝贡与邦交—明末清初中越关系研究1593-1702)》(Triều cống và bang giao – Nghiên cứu quan hệ Trung Quốc – Việt Nam cuối đời Minh đầu đời Thanh (1593-1702), được bảo vệ thành công năm 2003 tại khoa Lịch sử, Đại học Trung Sơn. Sau gần 10 năm tiếp tục, chỉnh sửa, bổ sung tư liệu, tháng 11 năm 2012, sách Hậu duệ của Học giả họ Ngưu được xuất bản lần đầu, đến năm 2014 được tái bản lần thứ hai.
Xin giới thiệu cụ thể vào kết cấu cuốn sách Hậu duệ :
Sách gồm 329 trang và 46 trang bài tựa của Tôn Lai Thần, học giả người Hoa tại Mỹ. Trong số 326 trang chính văn, ngoài 3 trang Mục lục (tr. 1-3), 5 trang Bài ký sau sách (后记 tr.322 – 326), 24 trang Tài liệu tham khảo (参考文献tr.298 – 321), 3 Phụ lục 27 trang: 附录一: 莫登庸家族起源小考 (Khảo cứu về nguồn gốc của gia tộc Mạc Đăng Dung; tr. 273-279); 附录二:中越档案文献选编 (Tuyển chọn thư tịch, hồ sơ về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam; tr.280-289);附录三:年表与大事记 (Niên biểu và những sự kiện lớn; tr.290-297), còn lại toàn bộ nội dung chính của sách là 272 trang.
Trong phần Tổng luận (绪论) mở đầu cuốn sách, tác giả đã giành 20 trang (tr.1-20) để nêu lên những nội dung chính như sau:
Tác giả cho rằng, sau khi độc lập vào thế kỷ X, hai nước Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu có sự giao lưu giữa “quốc gia” với “quốc gia”. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời cổ là bộ phận tổ thành quan trọng của mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Nam Á. Học giả trong nước Trung Quốc và học giả nhiều nước đã từng tập trung nghiên cứu nhiều về mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam thời cổ. Căn cứ vào phương pháp và mô hình nghiên cứu đại khái có thể phân thành 4 loại mô hình cơ bản như sau:
1. Mô hình quan hệ triều cống và quan hệ Tông chủ và phiên thuộc (朝贡关系和宗藩关系模式)
2. Mô hình hữu hảo của Trung Quốc với bên ngoài và ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc中外友好与中国文化影响模式)
3. Mô hình Trung Quốc thời cổ mở rộng với sự phản kháng của Việt Nam (古代中国扩张与越南反抗模式)
4. “Lịch sử không biên giới” và lịch sử “biên giới nước” (“无界的历史” (bordless histories) 与“水疆”(water frontier)的历史)
Phần cuối chương Tổng luận, tác giả đặt tiêu đề là; 《现有著作的局限和本书的贡献》
“Hạn chế của những tác phẩm hiện có và đóng góp của cuốn sách”.
Trong Chương thứ nhất: Sự hình thành chính sách thừa nhận Lê, Mạc song trùng ở An Nam” của triều Minh 《第一章:明朝对安南黎、莫双重承认政策的形成》có 25 trang (tr.21-44) với ba nội dung:
Tiết 1: Bối cảnh chính sách thừa nhận Lê, Mạc song trùng cuối triều Minh.
Tiết 2: Thời kỳ Vạn Lịch đối với sự hình thành chính sách thừa nhận Lê, Mạc song trùng.
Tiết 3: Điểm xuất phát và nguyên tắc xử lý vấn đề An Nam của triều Minh trong thời kỳ Vạn Lịch.
Chương thứ hai: Quan hệ giữa chính quyền Cao Bằng họ Mạc An Nam với triều Minh 《第二章:安南莫氏高平政权与明朝的关系》có 32 trang (tr.45-76) với bốn nội dung:
Tiết 1: Sự hình thành chính quyền Cao Bằng họ Mạc và tác dụng của triều Minh.
Tiết 2: Khảo về thế hệ chính quyền Cao Bằng họ Mạc.
Tiết 3: Quan hệ cuối triều Minh và chính quyền Cao Bằng.
Tiết 4: Ảnh hưởng của vị trí địa lý Cao Bằng đối với quan hệ chính quyền Cao Bằng họ Mạc và triều Minh.
Chương thứ ba: Nghiên cứu quan hệ giữa triều Nam Minh với An Nam (Việt Nam). 《第三章:南明与安南关系研究》có 32 trang (tr.77-108) với bốn nội dung:
Tiết 1: Quan hệ thời kỳ đầu của triều Nam Minh với An Nam.
Tiết 2: Sự chuyển biến của quan hệ triều Nam Minh với An Nam.
Tiết 3: Kết thúc quan hệ triều Nam Minh với An Nam.
Tiết 4: So sánh thái độ của Triều Tiên đối với triều Nam Minh.
Chương thứ tư: Triều Thanh với việc kế thừa và từ bỏ chính sách thừa nhận song trùng Lê, Mạc.《第四章:清朝对安南黎、莫双重政策的继续与放弃》có 26 trang (tr.109-134) với bốn nội dung:
Tiết 1: Nguyên nhân triều Thanh kế thừa chính sách thừa nhận song trùng Lê, Mạt.
Tiết 2: Quan hệ giữa triều Thanh và chính quyền Cao Bằng.
Tiết 3: Nguyên nhân triều Thanh từ bỏ chính quyền Cao Bằng họ Mạc và chính sách thừa nhận song trùng.
Tiết 4: Chính quyền Quảng Nam cầu phong và khả năng tái lập chính sách thừa nhận song trùng.
Chương thứ năm: Hoạt động khôi phục chính quyền của hậu duệ họ Mạc tại Trung Quốc thời kỳ hậu Cao Bằng và chính sách của triều Thanh.《第五章:后高平时期在华莫氏后裔的复国活动与清朝的政策》có 25 trang (tr.135-159) với ba nội dung:
Tiết 1: Thế hệ và địa điểm cư trú của hậu duệ họ Mạc tại Trung Quốc.
Tiết 2: Hoạt động khôi phục chính quyền của hậu duệ họ Mạc tại Trung Quốc.
Tiết 3: Chính sách của triều Thanh đối với hậu duệ họ Mạc tại Trung Quốc.
Chương thứ sáu: Kẻ phản loạn họ Mạc trốn chạy – Sự thực lịch sử về việc Hoàng Công Toản đầu hàng thời kỳ Càn Long và chính sách của triều Thanh.第六章:逃亡的莫氏叛乱者—乾隆年间安南黄公缵投诚事实与清朝的政策》có 19 trang (tr.160-179) với ba nội dung:
Tiết 1: Sự nổi loạn của Hoàng Công Thư trong lịch sử Việt Nam.
Tiết 2: Sự thật lịch sử về việc đầu hang của Hoàng Công Toản.
Tiết 3: Chính sách xử lý sự kiện Hoàng Công Toản và việc giao thiệp giữa triều Thanh với Việt Nam.
Chương thứ bảy: Các triều đại thay thế nhau với sự biến đổi về chế độ, lễ nghi—lấy việc nghiên cứu chính sách đối với Lê, Mạc của hai triều đại Minh, Thanh làm trung tâm.《第七章:王朝变更与制度、礼仪的变化—一明清两朝对黎、莫政策为中心的研究》có 44 trang (tr.180-223) với ba nội dung:
Tiết 1: Sự điều chỉnh quan hệ Trung Việt với sự thay đổi của chế độ sách phong.
Tiết 2: Sự thay đổi của chế độ triều cống với quan hệ Trung Việt.
Tiết 3: Việc thay đổi triều đại với lễ nghi và cuộc tranh luận về lễ nghi trong quan hệ qua lại giữa Trung Quốc, Việt Nam.
Chương thứ tám: Ảnh hưởng của Thổ ty vùng biên, thế lực cát cứ đối với quan hệ Trung Việt – lấy việc xử lý vấn đề Lê, Mạc của hai triều đại Minh, Thanh làm trung tâm nghiên cứu《第八章:边境土司、割据势力对中越关系的影响–以明清处理黎、莫问题为中心的研究》có 33 trang (tr.224-256) với hai nội dung:
Tiết 1: Thổ ty vùng biên, thế lực cát cứ của Việt Nam đối với sự an toàn của vùng biên Trung Quốc.
Tiết 2: Ảnh hưởng của Thổ ty vùng biên Trung Quốc, tình hình biên giới đối với quan hệ Trung Quốc, Việt Nam.
Kết luận: Dòng họ triều cống Việt Nam với lý tưởng và hiện thực quan hệ chính trị Trung Việt 《越南朝贡家族与中越政治关系的理想和现实》có 16 trang (tr.257-272).
Trước hết đối với việc thay đổi từ tiêu đề Luận án “…quan hệ Trung Quốc – Việt Nam…” đổi sang thành tiêu đề cuốn sách “…Nghiên cứu quan hệ gia tộc họ Mạc Việt Nam với Trung Quốc….” cũng đã được học giả Diệp Thiếu Phi chỉ rõ: “Sự thay đổi của tiêu đề có thể nhận thấy tác giả (Ngưu Quân Khải) đã thực hiện chuyển biến từ quan hệ Trung Việt sang quan hệ Việt Trung. Từ góc độ của Việt Nam để xem xét mối trao đổi lịch sử của hai nước” .
Có thể nhận thấy cuốn sách này đã đưa ra một đề tài có một phần nội dung nghiên cứu khá mới, nhất là giai đoạn sau khi triều Mạc bị triều Lê Trịnh tấn công phải chạy sang Long Châu Trung Quốc lánh nạn vào năm 1677. Mặt khác, tác giả cũng đưa ra một kết quả nghiên cứu thời kỳ nhà Mạc hoạt động tại Cao Bằng (1593-1677) với nhiều nhận định và tư liệu để khẳng định triều Mạc vẫn tiếp tục duy trì vương triều Mạc với 6 đời vua kế tiếp nhau. Điều này hoàn toàn không giống như quan điểm truyền thống lâu nay của các sử gia Việt Nam và nhiều nhà sử học Trung Quốc đương đại đều dựa vào ghi chép của sách Đại Việt sử ký toàn thư (大越史记全书) cho rằng triều Mạc chỉ tồn tại có 3 đời vua tại Cao Bằng.
Trong phần Tổng luận, khi đưa ra lịch sử vấn đề nghiên cứu, tác giả đã tiến hành phân tích vấn đề các công trình trong và ngoài Trung Quốc liên quan việc nghiên cứu quan hệ Trung Việt, quan hệ triều cống Trung Quốc, Việt Nam dưới hai triều Minh (1368-1644), triều Thanh (1645-1911). Có thể kể ra những công trình tiêu biểu như: Trịnh Vĩnh Thường (Đài Loan) với tác phẩm “Chinh chiến với giữ và bỏ – Nghiên cứu quan hệ Trung Quốc, Việt Nam đời Minh” 郑永常著《征战与弃守—明代中越关系研究》; Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học, Việt Nam) và tác phẩm “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI” (谢玉琏著《十五世纪至十六世纪初的越中关系》); Thiều Tuần Chính với tác phẩm “(Quá trình) từ đầu đến cuối quan hệ Trung Quốc, Pháp, Việt Nam”, (邵循正著《中法越南关系始末》…
Quan điểm của Ngưu Quân Khải đối với vấn đề triều cống đã được chính tác giá xác nhận “Quan hệ triều cống là một loại sắp xếp mang tính chế độ của quan hệ Trung Quốc, Việt Nam, cung cấp cơ sở giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước Trung Quốc, Việt Nam. Bản chất của quan hệ triều cống Trung Quốc, Việt Nam là mang tính chính trị, chủ yếu thể hiện quan hệ chính trị giữa hai nước” .
Trong Chương 1, Tác giả đưa ra nhận định: “Triều Minh thừa nhận song trùng Lê, Mạc có sự khác biệt, đối với triều Lê đã thừa nhân thân phận được triều cống, lại thừa nhận vai trò thống trị thực tế của triều Lê tại An Nam; đối với triều Mạc chỉ thừa nhận vẫn có vai trò và thân phận được triều cống, là dòng họ được cống nạp” .
“Chính sách thừa nhận song trùng Lê, Mạc của triều Minh đã thể hiện triều Minh không phải đã thống nhất trong việc thừa nhận vai trò bề tôi cống nạp của An Nam. Chỉ cần An Nam đồng thời tồn tại hai hay hơn hai dòng họ chính trị hoặc chính quyền đều có tư cách là bề tôi cống nạp thì có thể xuất hiện việc thừa nhận song trùng hoặc là đa nguyên. Điều này không đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của việc qua lại giữa triều Minh và An Nam” .
Trong Chương 2, cuốn sách đưa ra các nguyên nhân chính để xác định chính quyền Cao Bằng họ Mạc có thể tồn tại ở Cao Bằng từ sau khi bị quân Trịnh đánh bại ở Thăng Long. Nguyên nhân thứ nhất là: Thế lực quân sự của họ Mạc vẫn còn một thực lực nhất định. Nguyên nhân thứ hai là: Sau khi triều Mạc bị mất quyền thống trị ở Thăng Long, vẫn còn không ít lực lượng, nhất là tầng lớp Nho sĩ đã từng phục vụ triều Mạc tỏ thái độ ủng hộ. Nguyên nhân thứ ba: Nội bộ triều Lê Trung hung vẫn còn chứa đựng nhiều mối mâu thuẫn bao gồm: mâu thuẫn giữa vua Lê và chúa Trịnh, sự tranh giành chiếm đoạt giữa Lê và Trịnh, mâu thuẫn khu vực.
Đặc biệt trong Chương này, tác giả tiến hành khảo cứu khá chi tiết về Thế hệ các triều vua Mạc trong thời kỳ ở Cao Bằng (1593-1683). Phần tiểu kết tác giả đưa ra kết luận “Căn cứ theo những phân tích ở trên, chúng tôi xác định thế hệ [các đời vua] trong chính quyền Cao Bằng như sau: Mạc Kính Dụng (1593-1598), Mạc Kính Cung (1598-1625, niên hiệu Càn Thống, 1623-1625, Thái Thượng hoàng), Mạc Kính Khoan (1618-1638, niên hiệu Long Thái, 1625-1638, Thái úy thông quốc công), Mạc Kính Hoàn (tức Mạc Kính Diệu, 1638-1661, niên hiệu Thuận Đức), Mạc Kính Vũ (tức Mạc Nguyên Thanh, Mạc Kính Thụy, 1661-1680, niên hiệu Vĩnh Xương), Mạc Kính Quang (1681-1683) .
Trong Chương 3, viết về mối quan hệ giữa triều Nam Minh, Trung Quốc và các chính quyền tại Việt Nam đương thời
Sau khi triều Minh bị đội quân của Lý Tự Thành tiêu diệt tại Bắc Kinh năm 1644, vua cuối cùng của triều Minh là Minh Sùng Trinh phải treo cổ tự tử tại núi Môi Sơn, Bắc Kinh, một số quan lại và hoàng tộc còn lại của triều Minh đã chạy xuống các tỉnh phía nam Trung Quốc những nơi mà triều Minh vẫn còn kiểm soát. Họ đã tập hợp lực lượng và thế lực tại Nam Kinh là Kinh đô thứ hai của triều Minh, phạm vi hoạt động chủ yếu ở phía nam sông Hoài. Tàn dư của thế lực triều Minh đã thiết lập ở đây 4 đời vua gồm: Minh Hoằng Quang (1644-1645), Minh Long Vũ (1645-1646), Minh Thiệu Vũ (Võ) (1646-1647), Minh Vĩnh Lịch (1647-1662), giới sử học Trung Quốc mệnh danh cho giai đoạn từ 1644-1662 là thời kỳ Nam Minh (hoặc triều Nam Minh).
Tác giả phân tích, bối cảnh lịch sử của triều Nam Minh với các chính quyền ở Việt Nam đương thời (trên thực tế có 3 chính quyền tồn tại, chính quyền Lê Trịnh ở miền Bắc và chính quyền họ Mạc tại Cao Bằng và chính quyền các chúa Nguyễn ở miền Nam), nhưng khi đó các chúa Nguyễn không có liên hệ với triều Nam Minh, nên tác giả chỉ đi sâu mối quan hệ giữa triều Nam Minh với chính quyền Mạc Cao Bằng và chính quyền Lê Trịnh .
Để khôi phục lại sự thống trị của triều Minh, thế lực Nam Minh đã tìm cách mượn viện binh của nước ngoài như từng nhờ Nhật Bản đem quân cứu giúp tới 17 lần, ngoài ra còn nhờ cả Bố Đào Nha chiếm đóng Ma Cao sang cứu giúp. Việc thiết lập quan hệ với các chính quyền Việt Nam đương thời cũng nằm trong ý đồ muốn mượn viện binh của Nam Minh, mặt khác Nam Minh cũng có thể trở thành người thức đẩy việc năng cao quan hệ Trung Quốc với Việt Nam . Theo tác giả các chính quyền của Việt Nam đương thời đã giúp đỡ triều Nam Minh trong giai đoạn đầu, triều Nam Minh đã thực hiện chính sách lôi kéo và mượn quân, đồng thời thực hiện chế độ đối xử đặc thù (nguyên văn; 待之以“殊典)
Chương 4, viết về thái độ đối với việc kế thừa và từ bỏ chính sách thừa nhận song trùng Lê, Mạc của triều Thanh.
Về việc kế thừa của triều Thanh, tác giả cho rằng ngoài những lí do mà giới nghiên cứu từng đưa ra không phải là căn bản như:
Xuất phát từ tình hình trong nước Việt Nam khi đó và việc an toàn của biên giới Trung Quốc, triều Thanh đã:
+ Thừa nhận tính hình thực tế của Việt Nam: tức là thừa nhận họ Mạc phái có thực lực.
+ Họ Mạc thường xuyên gây rối biên cương Trung Quốc, ban phong cho họ để phủ dụ yên ổn.
+ Dùng chính sách “Dĩ Di chế Di”, sử dụng họ Mạc để khống chế họ Lê.
Tác giả khẳng định: Triều Thanh giành được nước, muốn tạo thành một cục diện thịnh trị 万国来朝 “vạn quốc lai triều” (muôn nước cùng đến triều cống), mà các viên quan địa phương triều Thanh khi trao đổi họ Mạc đều nhận thấy “Giao Chỉ nộp cống thì Thánh triều (chỉ triều Thanh) mọi sự thịnh vượng” (交夷纳款圣朝盛事) .
+ Triều Thanh ban phong cho triều Lê – Trịnh và chính quyền họ Mạc ở Cao Bằng là dựa vào việc xem xét thực lực không đồng đều của hai bên (Lê, Mạc), đồng thới lại tham khảo thêm việc ban phong của cuối triều Minh và triều Nam Minh đối với hai triều này.
Về việc từ bỏ chính sách của triều Thanh, tác giả nhận định việc từ bỏ chính sách thừa nhận song trùng và từ bỏ việc ủng hộ triều Mạc, khiến cho triều Lê -Trịnh có cơ hội tiêu diệt triều Mạc bắt đầu từ giữa thời kỳ triều Khang Hy (1461-1722). Việc nổi loạn của Tam phiên (三藩之乱) tức chỉ Bình Tây vương Ngô Tam Quế, Bình Nam vương Thượng Chi Tín và Tinh Nam vương Cảnh Tinh Trung kéo dài đến 20 năm. Triều Lê Trịnh đã giúp đỡ triều Thanh tiêu diệt tàn quân Ngô Tam Quế chạy sang Việt Nam. Những nội dung trên có nhiều học giả đầu tư nghiên cứu. Nhưng còn nguyên nhân vì sao triều Thanh từ bỏ việc ủng hộ chính quyền họ Mạc ở Cao Bằng thì gần như chưa có ai đi sâu tìm hiểu.
Chương 5, tác giả đưa ra phả hệ hậu duệ triều Mạc ở Trung Quốc như sau
Phả hệ 1
Mạc Kính Dụng (Em trai của Mạc Kính Hợp?)
(?)
Mạc Kính Khoan
Mạc Kính Hoàn ( Kính Diệu, Kính Diệu)
Mạc Nguyên Thanh, Mạc Kính Tấn Mạc Kính Khoan
(Kính Vũ hay Kính Thụy hoặc Kính Hồng) (Mạc Toàn Tông hay Vương Toàn Tông) (Kính Hoảng hay Kính Hoảng)
Mạc Kính Thự, Con gái (Gả cho Bế Hòa)
(Vương Tuyên)
Mạc Khoa, Con gái (gả cho Sầm Tế Khang tức Mạc Khang Vũ)
Mạc Nhân Đồng,
Phả hệ 2
Mạc Kính Trình (Em họ Mạc Nguyên Thanh)
(?)
Mạc Nô (cùng thế hệ với Mạc Kính Trình)
Mạc Tạo, Mạc Thổ, Mạc Bảo, Mạc Nãi
(Mạc Tam Vương, Mạc Chính Bưu, Mach Chính Thần, Mạc Năng Nhân) (Mặc Năng Nghĩa
(Mạc Thành Trần)
Mạc Anh (Chu Thiên Phúc)
Chương 6, tác giả muốn đưa ra chính sách của triều Thanh với sự thực lịch sử việc đầu hàng của Hoàng Công Toản trong thời kỳ Càn Long (1735-1795).
Chương 7, đây là chương có độ dài nhất với 44 trang, phản ánh việc thay thế các vương triều ở Việt Nam với việc thay đổi chế độ, lễ nghi trong hai triều đại Minh, Thanh
Nội dung phản ánh sự điều chỉnh của quan hệ Trung Việt và thay đổi chế độ ban phong, trong đó tác giả chỉ ra viêc ban phong An Nam Đô thống sứ ty với quan hệ Trung Việt cuối đời Minh, sự thay đổi nội dung ban phong và quan hệ Trung Việt cuối đời Minh đầu đời Thanh. Sự thay đổi nội dung được thể hiện trên ba điểm sau:
Một là khi sứ sang ban phong không đi quá cửa ải Nam Quan, không tiến hành làm lễ ban phong.
Hai là Ấn phong bị hạ cấp, như đời Tống ban cho Lý Anh Tông làm An Nam Quốc vương, ban cho ấn vàng, từ đó trở thành chế độ quy định. Đầu đời Minh ban cho vua triều Trần là ấn bạc mạ vàng. Sau khi Lê Lợi từ trần, triều Minh ban cho Lê Lân là An Nam Quốc vương, ban ấn vàng. Đến niên hiệu Gia Tĩnh hạ cấp ban cho Mạc Đăng Dung là An Nam Đô thống sứ ty, thì đặc biệt cấp cho ấn bạc.
Ba là, hạ thấp việc đãi ngộ với đoàn sứ đi tiến cống, khi triều Mạc, Lê đều bị hạ cấp xuống là An Nam Đô thống sứ ty, thì các đoàn sứ không được hưởng đãi ngộ như trước. Năm Gia Tĩnh thứ 22 (1543), triều Mạc cử sứ thần sang tiến cống, bộ Lễ triều Minh dâng tâu: “An Nam đã phế bỏ không có vua, sứ thần đi tiến cống không thể so sánh với bồi thần lúc thường, nên cắt giảm phần thưởng tặng”. Vua Gia Tĩnh đã có ý kiến như sau: “Đã nộp tiến cống chuyên chở thành thực, lệ thưởng như trước, còn không thể so sánh với bồi thần lúc thường, hãy bãi việc ban yến, hơi giảm tặng chung, để biểu thị không phải lễ cho bồi thần” . Tác giả nhận định việc hạ cấp chế độ ban phong cuối triều Minh nguyên nhân là do phía An Nam “không cung kính”, nhưng dù có thay đổi thế nào thì thực chất triều Minh vẫn đối xử An Nam như một nước khác .
Trong việc thay đổi chế độ triều cống được phản ánh trên việc số lần triều cống, thông thường theo quy định cứ 3 năm tiến cống 1 lần “三岁一贡”, nhưng đến giữa thời kỳ triều Mạc cuộc chiến tranh giữa Mạc Lê khiến cho tình hình chính sự trong nước bất ổn. Có thời kỳ vào niên hiệu Vạn Lịch (1572-1620), triều Mạc tiến hành gộp 4 lần tiến cống vào 1 lượt (bao gồm năm Gia Tĩnh thứ 36 (1557), năm Gia Tĩnh thứ 39 (1559), năm Vạn Lịch thứ 3 (1575), năm Vạn Lịch thứ 6 (1578). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử triều cống giữa triều Minh và Việt Nam xuất hiện việc tiến cống nhiều lần gộp lại thành 1 lượt.
Sau đó, năm Vạn Lịch thứ 12 (1584), đoàn sứ triều Mạc do Nguyễn Quang Khâm , Nguyễn Năng Nhuận chính thức đề nghị nộp cống vật của hai kỳ tiến cống làm một lượt, tức là cứ 6 năm tiến cống 1 lần của hai kỳ tiến cống liên tiếp, triều Minh chấp thuận.
Triều Lê cũng thực hiện việc tiến cống hai kỳ gộp làm 1 lượt, vào các năm 1606, 1613, 1620, 1630, 1637.
Nhưng việc tiến cống gộp này đến năm Khang Hi thứ 58 (1719) lại có thay đổi. Triều Thanh đồng ý yêu cầu của phía An Nam tiến hành cống nộp của hai kỳ tiến cống làm 1, theo thông lệ khi An Nam cử đoàn sứ thì thường có 02 Chánh sứ, 4 Phó sứ, trong đó 01 Chánh sứ, 02 Phó sứ đại biểu cho 01 lần tiến cống. Nhưng phía An Nam chỉ cử 01 Chánh sứ, 02 Phó sứ như vậy trên thực tế đã trở thành chế độ 06 năm tiến cống 1 lần…
Tiếp theo, tác giả bàn về cuộc tranh luận kéo dài gần 100 năm trên lĩnh vực lễ nghi trong quan hệ hai nước Trung Quốc Việt Nam với những trưng dẫn sự kiện rất cụ thể. Như việc “Khám nghiệm” (勘验), thực chất đây là sự kiểm tra việc thừa kế ngôi vị của vua mới có đúng là hậu duệ của triều vua trước không? Các triều đại phong kiến Trung Quốc cố tình tạo ra để kiểm tra vua mới nối ngôi có “cung thuận” (恭顺) đối với “Thiên tử” không? Theo tác giả sự tranh luận này là phản ánh đặc điểm quan hệ hai nước Trung Việt thể hiện: Tác dụng của cá nhân sứ thần khi đi sứ, khi giao lưu giữa hia nước, không nên cố chấp một số quy định thành lệ cần phải tùy cơ ứng biến, lễ nghi có được cháp hành một cách nghiêm túc cũng được coi là một phương thức trong giao thiệp hai nước.
Chương 8, ý đồ của tác giả trong chương này nhằm thông qua tình hình biên giới nhìn từ hai phía Trung Quốc và Việt Nam nhằm tìm hiểu tác dụng giữ yên vùng biên của cái gọi là “quan hệ Tông chủ và phiên thuộc” (宗藩关系)và thực chất của cái gọi là “bình phong của phiên thuộc” (藩篱).
Với chương Kết luận, tác giả đưa ra một tiêu đề là Dòng họ triều cống Việt Nam với lý tưởng và hiện thực quan hệ chính trị Trung Việt để phân tích mấy đặc trưng trong quan hệ chính trị Trung Việt thời kỳ Minh Thanh. Cụ thể là: Xác lập tính hợp pháp của vương triều với thân phận gia tộc triều cống An Nam, tiếp theo là đặc trưng Quan hệ giữa Thiên triều và các bề tôi triều cống: Sự kết hợp giữa chủ nghĩ lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực. Đặc trưng thứ ba là: Chính sách của hai triều Minh, Thanh đối với An Nam là : Tôn trọng truyền thống, nhưng không tuân thủ theo nguyên tắc. Đặc trưng thứ tư là Chính sách của An Nam đối với hai triều Minh, Thanh là : Nước nhỏ, nước lớn bang giao láng giềng có đạo lý.
Học giả Tôn Lai Thần đã dụng công viết một bài Quan hệ Trung Việt: Lý tưởng, Hiện thưc, lợi ích, thực lực (Thay cho lời Tựa) dài tới 46 trang chữ Trung Quốc,đánh giá cao nội dung tác phẩm của GS. TS. Ngưu Quân Khải: “Tóm lại, (tác giả sách) “Hậu duệ…” đã đầu tư cần mẫn, đào sâu nghiên cứu, khảo chứng kĩ càng, bàn luận rất sắc xảo, nó (tác phẩm) không chỉ đại diện cho mức độ mới trong nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á của học giả Trung Quốc lục địa, cũng là một tác phẩm chuyên khảo duy nhất trên quốc tế nghiên cứu sâu rộng về mối quan hệ giữa Trung Quốc và chính quyền Cao Bằng họ Mạc” .
Tuy cuốn sách của Ngưu Quân Khải có những phát hiện mới, nhưng không phải mọi nhận định, kết luận của tác giả đều là “thiên kinh địa nghĩa”, mà cũng còn nhiều vấn đề mà học giả Việt Nam có thể trao đổi trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, thực sự cầu thị. Ngay cả phần nguồn gốc hay phả hệ họ Mạc cũng cần phải có những trao đổi học thuật.
Bài viết của chúng tôi mới chỉ là khái quát lại nội dung cuốn sách của Ngưu Quân Khải liên quan đến một vấn đề lịch sử Việt Nam: Họ Mạc trên vùng đất Cao Bằng và Trung Quốc, do trình độ có hạn nên việc giới thiệu chưa được thấu đáo, chưa được toàn diện, có lúc mới chỉ là “Thầy bói sờ voi”, nhận thức được đến đâu trình bày đến đấy. Rất mong được sự góp ý chân thành, xây dựng của đồng nghiệp.
Quý Mão, Tháng Mạnh đông,
Viết tại Quan Nhân Thư trai (11/2023)

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024