BIA MẠC

Đinh Khắc Thuân

Bia Mạc, nói cụ thể hơn là bia mang niên hiệu Mạc hiện biết mà chúng tôi giới thiệu trong chuyên luận này, nằm gọn trong thế kỷ XVI. Số bia này không nhiều, lại nằm rải rác trong dân gian. Song sưu tập lại, chúng trở thành nguồn sử liệu khá đa dạng, có giá trị nhất định, góp phần tìm hiểu nhiều mặt về triều Mạc và xã hội thời Mạc mà các nguồn tư liệu khác còn chưa đầy đủ, đích thực.

  1. Những nét chung về bia Mạc.

Khi nhà Mạc lên ngôi, đặt niên hiệu là Minh Đức thứ nhất vào năm 1527, bia mang niên hiệu Mạc đầu tiên là bia Đại Bi tự dựng năm Minh Đức thứ 3 (1529) ở chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Sơn Bình (No 2092) (1) và bia Minh Đức thứ 3 (1529) ở Văn Miếu, Hà Nội (No 1305). Bia cuối cùng mang niên hiệu nhà Mạc được dựng năm Hồng Ninh thứ 2 (1592) là bia Tam giáo Tam bảo bi, chùa xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội (No 1696) …

Số bia Mạc hiện biết gồm 145 bia, hầu hết chúng đều có niên đại rõ ràng, chính xác. Duy có vài trường hợp đáng lưu ý về mặt văn bản. Đó là bia Linh Phúc tự bi ở chùa xã Trình Viên, huyện Thường Tín, Hà Sơn Bình (No 8294) ghi niên đại Đại Chính thứ 11 (1540. Thực tế bia này có từ thời Trần, được khắc lên một văn bản mới thời Mạc năm 1540. Trán bia là hai hình rồng run chầu chữ Phật do lần chạm đầu tiên vào thời Trần được giữ lại. Hai bia khác Hậu thần từ vũ bi ký ở xã Lại An, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội   (No 1662) dựng năm Quang Bảo thứ 9 (1562) và bia Nghiêm Yên Mô, tỉnh Hà Nam Ninh dựng năm Hưng Trị thứ 4 (1591) đều được khắc lại thời Nguyễn, kể cả hoa văn trang trí lẫn văn bản. Trường hợp cuối cùng là bia Linh Tiên quán ở xã Cao Xá, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội (No 2240). Mặt trước bia có dòng niên đại: Hoằng Định thứ 18 (1618). Mặt sau đề “tueest thứ Bính tuất niên”. Thực tế, năm Bính tuất không phải là năm 1618. Hơn nữa, mặt sau bia khắc một văn bản hoàn chỉnh ghi việc tu tạo quán và các Hoàng tộc nhà Mạc đóng góp tiền của. Mặt trước, ngoài ba chữ đại tự “Linh Tiên quán” to nổi ở giữa lòng bia ra, hai bên khắc một văn bản hoàn chỉnh khác ghi lịch sử Linh Tiên quán này và việc Chúa Trịnh Bình An Vương (1570-1623) ban lệnh chỉ cho dân xã được miễn phu phen, tạp dịch để phụng thờ thánh. Văn bản này khắc năm Hoằng Định thứ 18 (1618) là đích thực. Còn niên đại của văn bản trên mặt bia sau cùng theo chung niên đại này thì không ổn. Bởi không thể có chuyện cả chúa Trịnh và các Hoàng tộc nhà Mạc cùng một lúc tham gia tu sửa quán được trong khi còn đang thù địch, tìm cách thôn tính nhau. Vả lại, nhà Mạc đã rút khỏi Thăng Long lên Cao Bằng vào năm 1592 thì không thể có chuyện Hoàng tộc nhà Mạc có mặt sửa chữa quán vào sau thời gian đó. Rõ ràng bia này dựng và khắc lần đầu vào năm Bính tuất niên hiệu Đoan thái (1586) nhà Mạc, cùng năm với bia Viện Dương quán bi ở xã Thượng Đoan cách đó không xa trong cùng huyện. Lần dựng bia này, khắc ba chữ lớn “Linh Tiên quán” ở mặt trước và toàn bộ văn bản ở mặt sau. Năm Hoằng Định 18 (1618) khắc thêm một văn bản ở mặt bia trước, bên cạnh ba chữ lớn “Linh Tiên quán”.

Trong số 145 bia Mạc, có 2 bia mang niên hiệu Minh Đức, 9 Đại Chính, 10 Quảng Hòa, 1Cảnh Lịch, 11 Quang Bảo, 11 Thuần Phúc, 22 Sùng Khang, 32 Diên Thành, 22 Đoan Thái, 19 Hưng Trị và 6 Hồng Ninh. Chúng phân bố ở các địa phương như sau:

Hải Hưng 42 bia (trong đó Hải Dương cũ 29, Hưng Yên 11, Bắc Ninh 2)

Hải Phòng 22 (Kiến An 21, Hải Dương 1).

Hà Bắc 12 (Bắc Ninh 11, Bắc Giang 1).

Vĩnh Phú 10 (Vĩnh Yên 7, Phúc Thọ 3).

Hà Sơn Bình 13 (Hà Đông 10, Sơn Tây 3)

Hà Nội 14 (Hà Nội cũ 4, Sơn Tây 5, Hà Đông 5).

Hà Nam Ninh 25 (Nam Định 7, Hà Nam 4, Ninh Bình 14).

Thái Bình 5.

Quảng Ninh 2.

  1. Nội dung và đặc trưng văn bản.
  2. A) Phân loại: Theo nội dung, bia Mạc gồm các loại: bia chùa 80 chiếc, bia quán 12, bia đình 5, bia chợ 6, bia cầu 8, bia giếng 4, bia Văn Miếu 2, bia Văn từ, bia đền 5, bia thần đạo 1, và bia ruộng đất 19.

Nhà Mạc không có bia lăng miếu như nhà Lê và nhà Nguyễn, đồng thời không có khu vực bia “nhà nước” như Văn Miếu (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa) ở thời Lê và Văn Thánh lăng tẩm vua Nguyễn (Huế). Bia nhà Mạc chủ yếu là bia dân gian. Có những bia hoàn toàn do các vị trong Hoàng tộc nhà Mạc đứng ra tạo lập như bia Thiên Phúc tự bi dựng năm Quang Bảo thứ 9 (1562) ở xã Hòa Hiếu, huyện Kiến Thụy, ngoại thành Hải Phòng (No 10062), nhưng vẫn là bia ở chùa làng.

Ở chùa có nhiều bia, phần lớn là bia hậu và bia gửi giỗ. Thời Mạc chưa có loại bia này. Tuy nhiên trong văn bản đã xuất hiện những từ “Hậu thần”, “Hậu phật”, và những bia có tính tiền thân của việc bầu hậu ở giai đoạn sau. Đó là bia công đức, bia kỷ niệm người giúp dân làng như bia Ký do nhất biên dựng năm Diên Thành thứ 3 (1580) ở chùa Quảng Trúc, xã Đông Bích, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (No 3121). Bia ghi việc “Tín quan Nguyễn Khẳng công mỗi lần được thăng quan tiến chức đều về cúng tiến giúp làng xã, có lần cúng 10 lạng bạc đề dựng nhà Hậu tăng, dân nhớ ơn dựng bia kỷ niệm”. Cũng là công đức như vậy, ở các giai đoạn sau dân làng đều tôn bầu ông làm Hậu thần hoặc Hậu phật. Đó cũng là nét đặc trưng về văn bản trên bia Mạc.

Số bia quán ở thời Mạc không nhiều, song lại khá đặc trưng bởi ở các giai đoạn sau hầu như không có bia quán riêng. Quán thờ Đạo giáo nên bia quán thời Mạc nói về các đạo sĩ và tượng thánh như Tam Thanh, Ngọc Hoàng… Điều này hoàn toàn không có trên bia giai đoạn khác.

  1. B) Về bố cục văn bia, bia mạc gồm 4 phần khá nhất quán: Bài ký, bài minh, tên người có công đức và dòng lạc khoản.

Bài ký và bài minh ngắn gọn, trung bình 500 đến 600 chữ. Thậm chí có bia chỉ có dưới 100 chữ đủ nói lí do việc dựng bia và nội dung công việc. Rõ ràng văn bia Mạc thiên về lối “ký sự” (ghi chép sự việc) chứ không phải “tụng công” (ca ngợi công đức) như nhiều bia thời Lê sơ và Lê, Nguyễn sau này.

Tên người công đức, chủ yếu ghi vị Hội chủ hưng công lai lịch rõ ràng như quê quán, chức tước, tên tự, hiệu. Còn người đóng góp chỉ kê họ tên.

Phần lạc khoản trên bia Mạc được ghi khá đầy đủ, gồm: năm tháng dựng bia, người soạn văn bia, người viết chữ và thợ khắc bia. Năm tháng dựng bia chủ yếu được ghi chép theo niên hiệu vua kết hợp với năm can chi như “Đoan Thái sơ niên, tuế tại Bính tuất niên” (Năm Bính tuất, niên hiệu Đoan Thái thứ nhất: 1586). Có một vài trường hợp ghi năm can chi theo thuật ngữ duy danh. Chẳng hạn bia Trùng tu Bảo Quang tự bi dựng năm Đoan Thái thứ 1 (1586) ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú ghi: “Đoan Thái vạn vạn niên chi sơ tuế thứ nhu triệu Yêm mậu…” Nhu triệu yêm mậu là năm Bính tuất (1586) (2). Người soạn văn bia phổ biến là các vị đỗ đạt hoặc danh nho. Số khác là các vị đạo sĩ và người địa phương. Bia Lê ở giai đoạn Lê sơ chủ yếu là do các vị đỗ đạt soạn, không có một đạo sĩ hoặc nhà sư nào soạn; ở giai đoạn sau XVII-XVIII), số nhà sư soạn văn bia lại khá nhiều. Người viết chữ trên bia Mạc phần lớn là Giám Sinh ở Quốc tử giám và người chuyên nghiệp cùng kíp thợ khắc bia. Ngược lại trên bia Lê sơ, người viết chữ hầu hết đều đỗ đại khoa thư toán mà trên bia ghi là “trúng thí thư toán khoa”. Thợ khắc bia thời Mạc chủ yếu là thợ dân gian, còn trên bia Lê sơ chủ yếu là thợ nhà nước.

Ở đây cũng cần bàn thêm về nguồn đá làm bia. Đá làm bia được sử dụng nhiều nhất là ở An Hoạch (Thanh Hóa). Do sự cát cứ giữa hai vương triều Lê-Mạc, nên dá An Hoạch (vùng nhà Lê cai quản) không thể được khai thác đưa ra vùng nhà Mạc sử dụng được. Đá làm bia Mạc chủ yếu phải dùng đá Kính Chủ (Hải Hưng). Nguồn đá này từ lâu cũng từng được khai thác làm bia như vua Lê “theo lời tâu của Nguyễn Trãi đã sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá núi Kính Chủ làm khánh”(3). Tuy nhiên nguồn đá này không lớn như nguồn đá An Hoạch. Đá thường có mầu ngà, thớ nhỏ nên bia Mạc phần lớn có mầu ngà, kích cỡ vừa, nhỏ. Đá làm bia Mạc rất hiếm. Chẳng thế một số bia ghi việc bị quan chức công đức cho dân làng về việc tìm mua đá như bia Cổ Linh tự bi ký dựng năm Quảng Hòa thứ 5 (1545) ở xã Cao Xá, huện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng (No 9152) hoặc bia trùng tu trí thạch kiều bi, dựng năm Quảng Hòa thứ 3 (1543) ở chùa Hương Sơn, huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú (no 9841). Vì lẽ đó văn bia Mạc không dài, chữ khắc nhỏ, nét mảnh. Trong khi đó chữ khắc trên bia Lê sơ to, sâu.

  1. C) Về tự dạng: chữ khắc trên bia Mạc hoàn toàn là loại chữ khải. Duy có hai tên bia được khắc theo lối chữ triện, chữ húy trên bia Mạc ít gặp so với trên bia Lê.Lệ khắc húy thời Trần là bắt nét như chữ “Nguyệt chỉ còn một nét ngắn bên trong, thậm chí một nét đó kéo dài ra:(). Lệ viết húy thời lê là đảo bộ và thêm dấu nháy ở đầu ví dụ chữ Lợi? Trên bia Mạc gặp chữ “Hiếu” cũng được viết tương tự vậy. Đáng chú ý nhất là chữ “Nguyên”. Trên bia Mạc có 20 trường hợp “nguyên niên” (năm đầu của niên hiệu vau) đều viết là “sơ niên”, (cũng có nghĩa là năm đầu). Tất cả năm đầu của niên hiệu vua các giai đoạn khác đều viết “nguyên niên”. Trên bia Mạc có một trường hợp viết “nguyên niên”, nhưng chữ “nguyên” này viết bớt một nét ngang và thêm 3 dấu nháy đầu. Rõ ràng “nguyên” là chữ kiêng húy thời Mạc, có lẽ là kiêng húy Mạc Phúc Nguyên, mọi văn bản bia đều kiêng kỵ một cách nghiêm, ngặt. Mặt khác, tất cả những chữ viết kiêng húy nghiêm ngặt thời Lê đều được viết bình thường trên bia Mạc. Đó cũng là nét đặc trưng văn bản cho phép khu biệt bia Lê và bia Mạc.

Ngoài chữ húy ra, còn kẻ đến trường hợp viết tắt, chữ viết tắt (bớt nét) trên bia Mạc phổ biến là chữ “thiện”. Chữ này được khắc bớt một nét ở giữa (bộ thảo) biến thành chữ “thập” và nối với chữ “khẩu” ở dưới thành chữ “cổ”. Chúng tôi chưa rõ vì sao trên bia Mạc lại khắc tắt như vậy, trong khi đó mọi bia đá ở giai đoạn khác đều được khắc bình thường. Đó là nét dễ nhận biết của một văn bản bia Mạc.

Trên đây là một số nét tiêu biểu về đặc trưng văn bản bia Mạc, giúp việc khu biệt văn bản bia Mạc với bia Lê và giai đoạn khác.

III. Giá trị sử liệu trên bia Mạc

Sưu tập bai Mạc có giá trị về nhiều mặt, nhất là về sử liệu. Ở đây xin điểm một vài nét mà nguồn tư liệu này phản ánh tập trung nhất.

1/ Về chính quyền Mạc.

Nhà Mạc sau khi lên ngôi, xây dựng bộ máy thống trị về cơ bản duy trì theo chế độ nhà Lê “đất 13 lộ thì cứ chiểu theo tên đất cũ…”(4) T wlieeuj trên bia Mạc cho biết thời Mạc gọi lộ ở thời Lê là đạo, gồm một só đạo thống kê được như sau: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Ninh Sóc, Thanh Hoa, Quảng Nam…Dưới đạo là phủ, huyện, xã. Đặc biệt, trên một số bia Mạc đã xuất hiện đơn vị hành chính tổng- nối giữa huyện và xã- mà các tư liệu khác mới ghi nhận được từ thế kỷ XVIII. Cụ thể là bia “Thủy các bổ kình bi” dựng năm Diên Thành thứ 6 (1583) ở chùa Thầy (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình) ghi: “Ninh Sơn huyện, tổng… Lật Sài xã” (xã Lật Sài, tổng…huyện Ninh Sơn). Bia Hưng Khánh tự điền bí ký dựng năm Hưng Trị thứ 2 (15890 ở xã Bốc Hành, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng ghi: “Tân Minh huyện, các tổng, xã sãi hội chủ” (Sãi vãi hội chủ các tổng, xã huyện Tân Minh). Bia Tiên Hiền từ bi dựng năm Sùng Khang thứ 11 (1576) ở xã Ninh Duy, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng ghi tư văn của huyện gồm các vị trong các tổng: Xuân Đảng: 32 người, Đông Tham: 9, Yên Cương: 43, Kim Đới: 26, Vân Thị: 32, Lạt Khê: 31, Kinh Thanh: 13, Yên Tử hạ: 1, Tân Suy: 23, Cẩm khê: 3, Tự Tân: 2 và Xuân Vi: 1…

Rõ ràng ở thời Mạc, tổng đã xuất hiện và trở thành một đơn vị hàn chính thực thụ nối giữa huyện và xã.

Bia Mạc cũng ghi được khá nhiều chức tước ở mỗi đơn vị hành chính đó. Chắng hạn ở đạo có Giám sát Ngự sử, Tham chính. Ở Phủ có Phủ sĩ, ở huyện có Huyện thừa, Tri huyện, ở tổng có Tổng chính, Trùm tổng… ở xã có xã trưởng, xã xử, xã chính, xã quan, câu đương…

Nhà Mạc duy trì bộ máy thống trị trung ương tập quyền theo nhà Lê sơ. Ở những vùng xa xôi, cử quan chức tin cẩn của triều đình cai quản. Chẳng hạn sai Tiến sĩ khoa Bính tuất Ngự sử đạo Thanh Hoa, hoặc Tiến sĩ khoa Nhâm thìn (?) Nguyễn Đồng Diễn làm Giám sát Ngự sử đạo Quảng Nam (5). Tuy n hiên nhà Mạc trong thực tế chỉ nắm được các địa phương từ Ninh Bình trở ra. Các vùng phía nam từ Thanh Hóa trở vào, sự cai quản của nhà Mạc còn rất lỏng lẻo ngay trong thời kỳ nhà Lê chưa gây dựng và hoạt động ở đó. Qua sự phân bố bia nhà Mạc như trên đã nêu chúng ta thấy rõ điều này: Toàn bộ bia Mạc chỉ nằm từ Ninh Bình trở ra. Sau khi nhà Lê gây dựng lại ở Thanh Hóa thì Ninh Bình trở thành đất tranh chấp thế lực ở đây có lúc bia mang niên hiệu Mạc, có lúc mang niên hiệu Lê.

Trong vùng kiểm soát của nhà Mạc, uy thế của nhà Mạc có sức nặng hơn cả là vùng Kiến An, đất phát tích của nhà Mạc và vùng Hải Dương, được gọi là Dương Kinh, trung tâm nhà Mạc. Các vùng khác có phần kém nghiêm ngặt hơn. Vì thế có một số bia ở Nam Định (Hà Nam Ninh), Hà Đông (Hà Sơn Bình), Phú Thọ (Vĩnh Phúc)…khi dùng niên hiệu vua Mạc, không biết niên hiệu đó đã được thay đổi bằng niên hiệu mới rồi. Cụ thể niên hiệu Quang Bảo có 8 năm (1554-1562), sau đó thuộc niên hiệu Thuần Phúc. Trong khi bia Hậu thần tư vũ bi ký ở huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội (No 1662) ghi năm Quang Bảo thứ 9 (1562), bia Trùng tu Thanh Quang tự ở huyện Trực Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (No 5431) lại ghi năm Quang Bảo thứ 10 (1563)…Niện hiệu  Hưng Trị có 3 năm (1588-1591) thì bia Tân tạo Ngọc hoàng chư phật ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (No 4949) ghi năm Hưng Trị thứ 4 (1591)…

Việc có niên hiệu mới mà vẫn dùng niên hiệu cũ là ít gặp đối với bia các triều đại trước, trừ vài trường hợp bia ở thời Tây Sơn, để biểu thị tư tưởng hoài Lê, không chấp nhận triều Tây Sơn của số ít người đứng ra dựng bia. Ở đây thì khác, vấn đề không phải là không chấp nhận niên hiệu mới mà có thể là dân vùng này không biết đã thay đổi niên hiệu mới hoặc có biết nhưng quen dùng niên hiệu cũ…Dù sao cũng chứng tỏ sự ràng buộc giữa dân địa phương và triều đình không chặt chẽ, kịp thời. Dân không chịu sự ép buộc khắt khe của triều đình. Mặt khác, qua đề tài trang trí trên bia thể hiện rõ nhà Mạc không như nhà Lê, nhất là thời Lê sơ độc tôn uy thế vương quyền qua hình tượng rồng. Rồng tượng trưng cho vương quyền. Rồng nhất thiết được trang trí ở vị trí trang trọng nhất với cách thể hiện oai nghiêm nhất ở trán bia. Trên trán bia Mạc, đề tài rồng cũng được sử dụng nhiều, song không chiếm ưu thế, chỉ khoảng 30%. Hơn nữa, cách thể hiện thì mặt trời lại được bề thế nhất: to, choán hết trong tâm trán bia, con rồng nhỏ bé đủ lấp kín phần còn lại của góc bia mà thôi. Thậm chí rồng tụt hẳn xuống góc dưới, để lại phía trên một khoảng trống điểm thêm hoa văn mây xoắn hoặc hình chim bay với không gian vô tận (6). Vì thế dáng rồng ở đây không đủ phô trương để tỏ rõ oai nghiêm như rồng Lê sơ. Ở giai đoạn cuối rồng Mạc được dân gian hóa: thêm cặp sừng trâu nhiều đốt hoặc đuôi ngắn cụt tựa đuôi thú (7). Rõ ràng rồng thời Mạc không phải là hình tượng độc tôn của vương quyền. Ngay cả khá nhiều bia do chính vua Mạc và hoàng tộc nhà Mạc tham gia xây dựng, hình tượng rồng ở đây cũng không bị áp đặt bởi một khuôn mẫu nào và quy định ngặt nghèo nào, ngay cả của triều đình mà được thể hiện theo cảm hứng của nghệ nhân (8).

Như vậy nhà Mạc tuy xây dựng chính quyền trung ương tập quyền, nhưng không áp đặt quyền thế, trái lại để tự do đặng thu phục lòng dân. Vì thế sự ràng buộc giữa các địa phương và triều đình không chặt chẽ. Sự ảnh hưởng và uy thế vương triều Mạc với các vùng xa xôi càng lỏng lẻo hơn.

 

  1. Kinh tế xã hội.

a/ Một số hình thức sở hữu ruộng đất.

Nhà Mạc sau khi củng cố được ngôi vị đã cho định lại một số chế độ điền chế, lộc chế “tháng 10, năm Mậu Tý (1528) Đăng Dung cho là sau khi hòa bình, chế độ dần dần trễ nãi, ý muốn thay đổi dóng dả, mới sai bề tôi là bọn Quốc Hiến bàn định binh chế, điền chế, lộc chế…” (9). Tuy nhiên sử sách không ghi rõ “điền chế”, “lộc chế” như thế nào. Tư liệu trên bia Mạc cũng không phản ánh đầy đủ, song thống kê cũng thấy được một số hình thức sở hữu ruộng đất như sau:

– Thế ngiệp điền và lộc điền. Đây là ruộng mà vua ban cho những người trong hoàng tộc và những quan chức có công lao với triều đình. Phúc Tuy Thái trưởng công chúa có thế nghiệp điền 5 mẫu 5 sào tại xứ Mã Cả, xã Đắc Hành, huyện Tâm Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã bán đứt với giá 120 lạng cho xã vào năm Sùng Khang thứ 7 (1572) (10). Tĩnh Quốc công Mạc Kính Điển có ruộng đất (điền thổ) 55 mẫu tại xã Thiên Bài, huyện Yên Mô (nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh) vì không tiện cày cấy nên đã bán đứt cho dân địa phương vào năm Đoan Thái thứ nhất (1586)…

Như vậy số ruộng trên được vua ban cấp đã trở thành sở hữu riêng của họ, có thể lưu truyền mãi mãi, có thể bán đứt. Số ruộng ấy quá ít so với các triều đại khác. Một người có công lớn với triều đình như Tĩnh Quốc công được cấp 55 mẫu thật là ít ỏi. Có thể Tĩnh Quốc công còn được ban cấp đất ở nơi khác nữa mà tư liệu trên bia không phản ánh được. Dù sao cũng thấy rõ phải chăng nhà Mạc không muốn tập trung ruộng đất ở một chõ để thành điền trang, thái ấp như thời Trần mà muốn hạn chế thế lực cát cứ.

– Quan điền. Cũng như các triều đại khác, quan điền do nà nước quản lý, giao cho dân cày cấy để thu tô. Trong khá nhiều bia Mạc ghi ranh giới các thửa ruộng có nhắc tới quan điền. Chẳng hạn ghi: “đông cận quan điền, tây cận lộ…”(12). Bia Hoa Sơn bi ký dựng năm Đoan Thái thứ nhất (1586) ở xã Phượng Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Hà Nam Ninh (No 9534) ghi: “ Bà Lê Thị Quỳnh đã được phân ruộng (dĩ phân điền thổ) 10 mẫu, lại mua thêm 5 mẫu nữa…”

Rõ ràng ruộng cho dân cày cấy đó của nhà nước là quan điền và số ruộng như vậy với một gia đình là khá lớn.

– Công điền. Ruộng này trên bia Mạc ghi được chủ yếu là ruộng chùa. Ruộng đó không chỉ là sở hữu của chùa mà là của chung làng xã. Bia Thánh Ân tự tam bảo điền dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1587) tại xã Phù Than, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (No 9368) ghi: “Trước đây vua Trần Nhân tông ban ruộng đất làm của tam bảo cho chùa Thánh Ân gồm 70 mẫu, giao cho 7 tộc hoàng nô họ Phạm cày cấy phụng thờ, lưu truyền con cháu. Nay xã thôn trưởng và toàn dân sợ binh hỏa làm thất lạc, cho khắc lên bia để lại về sau…”

Ở thời Mạc, khi mọi sinh hoạt của làng xã tập trung ở ngôi chùa của làng thì công việc và sở hữu của chùa cũng là của chung làng xã. Làng nào cũng có chùa và chùa nào cũng có ruộng và có khá nhiều. Thậm chí có chùa có trên 100 mẫu ruộng như chùa Đậu, huyện Thường Tín tỉnh Hà Sơn Bình (13).

– Tư điền. Trong số bia thời Mạc, có khá nhiều bia ghi việc mua bán ruộng đất. Ruộng đất được mau bán đứt, bán đứt đó đương nhiên thuộc quyền sở hữu riêng của họ. Chẳng hạn Vũ Nho, người xã Phượng Trì, huyện Yên Mô (Hà Nam Ninh) mua 30 mẫu điền thổ vào năm ĐạiChính thứ 3 (1532) (2). Rất nhiều bia khác khi kê ranh giới ruộng đất đã ghi được nhiều thửa tư điền như “ Nam giáp Nguyễn Văn Tài điền”, hoặc “Tây giáp dân điền…”(1).

1- Bia Pháp Vũ tự bi, chùa Pháp Vũ, dựng năm Sùng Khang thứ nhất (1566) No 7852.

2- Bản dập bia số No 9539.

b/ Về nghề thủ công và thương nghiệp.

Trong những nghề thủ công mà bia Mạc phản ánh, tập trung nhất là nghề tạo đá, khắc bia. Thợ ở đây toàn thợ dân gian. Trong đó có một số được nhà nước tuyển dụng, tổ chức thành bộ phận chuyên nghiệp lo việc san khắc đá cho triều đình, được gọi chung là “Tương cục” hoặc “Ngự dụng giám san thư cục…”

Thợ dân gian khắc bia Mạc giữ vị trí chủ chốt là phường thợ xã Hồng Lục, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (nay thuộc tỉnh Hải Hưng), phường thợ Gia Đức, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn (nay thuộc Hải Phòng) và xã Kính Chủ, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc tỉnh Hải Hưng)…Các hiệp thợ này được lưu lại trên bia đá ở các vùng Hải Phòng, Hải Hưng, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Nội…Trong đó có thợ khắc Đỗ Đình Khoa xuất hiện trên nhiều bia đá xã Đồng Hồng Lục, huyện Gia Phúc (Hải Hưng), lực sĩ Nguyễn Ích Diệu, người xã Gia Đức, huyện Thủy Đường (Hải Phòng)…Có hiệp thợ gồm từ 3 đến 4 người. Có hiệp thợ là một gia đình, trong đó có cả phụ nữ tham gia công việc san khắc như ở bia Hoàng thê tự bi dựng năm Diên Thành thứ nhất (1578) ở xã Vĩnh Thệ, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Đan Phượng Hà Nội). Ngoài ra là những hiệp thợ ở xã Anh Nhuệ, huyện Ân Thi, phủ Khoái Châu (nay thuộc huyện Ân Thi, Hải Hưng); xã Lĩnh Đông, huyện Yên Sơn; xã Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Hưng); xã Hồng Liêu, huyện Gia Phúc (Hải Hưng); xã An Hoạch, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa)…

Rõ ràng thợ khắc bia thời Mạc phát triển nhất ở các địa phương thuộc một phần đất Hải Phòng và tỉnh Hải Hưng. Trên vùng này, vào thời Mạc còn có nhiều nghề thủ công nổi tiếng khác, trong đó tiêu biểu là nghề gốm. Tư liệu bia Mạc không phản ánh được điều này, song ghi lại được lai lịch vị tổ sư nghề gốm ở thế kỷ XVI là Đặng Huyền Thông, người xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Nam Thanh, Hải Hưng) (14). Những nghề thủ công này vượt ra khỏi địa phận xóm làng mình. Họ đã làm theo đơn đặt hàng của các địa phương. Điều đó chứng tỏ nghề thủ công khá phát triển.

c/ Về giao thông, buôn bán. Như trên đã nêu, nghề thủ công phát triển đi theo việc giao thông, buôn bán phát triển. Tuy số lượng bia xây cầu, mở chợ không nhiều, song nội dung lại khá phản ánh được nhiều mặt về mở rộng giao thông, buôn bán dưới thời Mạc. Việc mở rộng giao thông, buôn bán này là nhu cầu của xã hội, đồng thời trong đó có sự khuyến khích của triều đình. Chẳng hạn việc dựng cầu, mở rộng chợ bến Nguyễn ở xã Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) năm Đại Chính thứ 2 (1531) chính do vua Mạc Đăng Doanh ban sắc chỉ xây dựng (15). Qua nhiều nội dung văn bia, thấy rõ việc đi lại buôn bán ở thời Mạc, khá nhộn nhịp. Như bia Khê Cốc kiều bi dựng năm Sùng Khang thứ 5 (1570) ở xã Phượng Đàm, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Hưng ghi việc ba xã Phượng Đàm, Ngoại Đàm và Văn Xuyên trong huyện đứng ra xây cầu mới năm gian: “Cảnh vật bốn mùa tươi tốt, vó ngựa rầm rập trên đường, từ việc nông tang đến khách buôn bán đi lại rất thuận lợi” (Tứ thời cảnh vật tráng thịnh, mã đề cao khỏa, chí nông chi dã, thương chi khách đồ giai tiện lợi dã…)

Cùng với việc mở rộng buôn bán, giá trị tiền tệ cũng khá cao. Mọi việc đều được mua bán bằng tiền. Chẳng hạn việc sửa lại một chiếc bia cũ hết 10 quan (16), mua mọt mẫu ruộng hết 30 quan tiền, …(17).

d/ Bộ mặt làng xã. Như trên đã nêu rõ, kinh tế nông thôn khá phát triển, làng xóm trù phú, xuất hiện nhiều người giàu có. Trông số những hội chủ hưng công được ghi tên ở bia, ngoài những người trong Hoàng tộc và quan lại của triều đình ra, có khá nhiều người địa phương đóng góp tiền của lớn cho làng xã. Trong đó tiêu biểu là vợ chồng Đặng Huyền Thông đứng ra dựng chùa, tô tượng…Không chỉ thế, dân làng cũng đóng góp khá lớn như 50 người trong thôn Phượng Tường, xã Kiên Cường, huyện vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bỏ 24 quan tiền và 5 sào ruộng dùng vào việc tam bảo…(18). Ở mỗi làng xã, nhiều công trình công cộng dược xây dựng, tu bổ. Làng xóm khang trang, dân cư đông đúc. Tư liệu trên bia Mạc không cho biết rõ một xã có bao nhiêu gia đinh, bao nhiêu khẩu. Song qua phần kê tên người đóng góp trong làng xã trên bia, có thể tìm hiểu được vấn đề này. Có thôn có 3 giáp như thôn Liên Đông, xã Trưng Hoài, huyện Thanh Lan (nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) gồm giáp Nhất 40 người, giáp Nhị 50 người, giáp Tam 56 người (19). Xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng) có 8 giáp: Chính Đông, Đông Trung, Chính Tây, Tây Trung, Chính Nam, Nam Trung, Chính Bắc, Bắc Trung (20). Xã Bảo Duy huyện Tân Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có 111 người góp tiền của xây dựn chùa Sùng Ân… (21).

Như vậy một thôn trung bình có 3 đến 4 giáp, một xã trung bình có 3 đến 4 thôn. Một giáp trung bình có 30 đến 40 hộ gia đình. Một xã trung bình có 80 đến 100 hộ gia đình. Nếu mỗi gia đình có 5 đến 6 người thì một xã trung bình có 500 đến 600 người. Số nhân khẩu này ở vùng đồng bằng đương thời cũng khá đông.

Sinh hoạt làng xã dưới thời Mạc tập trung ở ngôi chùa hay ngôi quán làng. Xã nào, làng nào cũng có chùa hoặc quán. Bên cạnh đó, ngôi đình cũng đã xuất hiện. Thực tế ngôi đình có từ khi nào thì đến nay còn nhiều trạnh luận. Tư liệu trên bia Mạc cho biết đình ở thế kỷ XVI đã khá hoàn chỉnh, có tên gọi và ra đời trước đó khá lâu, ít nhất từ thời Lê sơ (thế kỷ XV). Bia Hưng tạo Đại Đoan đình bi dựng năm Diên Thành thứ 8 (1585) ở xã Đoan Bái, huyện Gia Bình (nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc) ghi: “xưa có đình, nay trên nền cũ làm đình mới, đặt tên là đình Đại Đoan (Đại Đoan chi đình…)

Trong xã hội thời Mạc, Nho giáo được tôn sùng. Triều đình nhờ đó mà đào tạo nên đội ngũ quan lại bổ sung cho bộ máy thống trị của mình. Chẳng thế việc học tập và thi cử dưới thời Mạc sôi nổi biết chừng nào. Bên cạnh đó, Phật giáo và Đạo giáo cũng khá hưng thịnh. Tỉ lệ giữa bia chùa, bia quán chiếm ưu thế trong số bia Mạc, và nếu so sánh với các giai đoạn khác, chẳng nói điều đó sao? Bia chùa thời Mạc không chỉ ghi việc xây dựng, tu bổ chùa, tạo tượng Phật mà còn ghi việc san khắc kinh Phật ban phát cho dân (22). Lòng mộ đạo Phật ở thời Mạc dường như muốn làm sống lại thời kỳ rực rỡ của Phật giáo ở thời Trần. Bia Ứng Xá tự bi dựng năm Sùng Khang thứ 7 (1572) ở xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình) (23) ghi: “cầu giáo lý khởi thủy từ nhà Trần lây đạo lập quốc” (Cầu đạo giáo thủy ư Trần triều, dĩ đạo lập quốc).

Thông thường, ở chùa thờ Phật, ở quán thờ Thánh. Tượng Thánh chủ yếu là Tam Thanh, Ngọc Hoàng… Tuy nhiên trên bia Mạc thấy rõ nhiều quán thờ thêm tượng Phật, nhiều chùa thờ thêm tượng Ngọc Hoàng. Có vị đạo sĩ lại lo công việc của chùa như Chân Thanh quán đạo sĩ. Bùi Đức Thanh làm sư và xây chùa Nghiêm Quang, năm Sùng Khang thứ 5 (1570) (24). Có chùa mang tên quán như chùa Mui, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình ngày nay mang tên “Hưng Thánh quán”. Như thế là Phật và Đạo có xu thế hòa đồng. Không chỉ có Phật, Đạo mà cả Nho cũng hòa đồng. Ở thời Mạc có chùa Tam giáo như bia Tam giáo tư Tam bảo vật ở xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội dựng năm Hồng Ninh thứ 2 (1592) cho biết rõ điều này. Lại có tượng Tam giáo như bia Tạo Tam giáo tượng bí minh ở chùa Cao Dương, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình, dựng năm Diên Thành thứ nhất (1578) cho biết. Tác giả bài văn bia này là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, người phát ngôn tiêu biểu của Nho giáo về Tam giáo. Sau khi nêu đặc điểm và giá trị của ba hệ tư tưởng Phật, Lão, Khổng, ông đã quy vào một nền tảng đồng nhất “nhân bản”, mọi giáo lý trên đều “tuân theo tính tự nhiên của con người để trau dồi đạo đức”. Và 6 câu minh chứng ở bài văn bia đã lấy nguyên văn câu mở đầu ở Trung dung, kinh điển Nho học; cho thấy nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quy tụ tam giáo vào một điểm quy tụ chính là đạo Khổng Mạnh.

  1. Về văn học nghệ thuật.

Sưu tập văn bia Mạc là một nguồn tư liệu khá phong phú về một thể loại văn học ở thời Mạc: thể ký. Thể ký được khắc trên bia đá thời mạc là loại ký sự (ghi chép sự việc). Trong khuôn khổ hạn hẹp của một mặt bia, bài văn bia không chỉ ghi lý do, nội dung công việc mà còn là dịp tác giả thi thố tài học vấn của mình, gửi gắm tư tưởng vào đó. Thực tế đã có bài học “khôn văn tế, dại văn bia”. Bài văn hay, dở đều không tránh khỏi sự phán xét của người đời. Vì thế không phải ai cũng được mời soạn văn bia và ai cũng sẵn sàng nhận soạn văn bia. Ngay bậc danh nho như Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng có biết bao trứ tác mà cũng băn khoăn khi nhận soạn bài văn bia “Tạo Tam giáo tượng” ở chùa Cao Dương: “Tôi cũng có lòng thích điều thiện, không lẽ chối từ. Tôi là nhà Nho tuy chưa được nghe thấu đáo về đạo Phật, đạo Lão, song đọc rộng, suy ngẫm những điều nghi hoặc, cũng nắm được một hai điều về luận thuyết này…”(25). Thực tế nội dung bài văn bia này chỉ ghi lòng hướng thiện đứng ra tạo tượng Tam giáo của một ngôi chùa. Nhưng qua cách lý giải của tác giả, văn bia khái quát được tư tưởng lớn của tác giả và của chung xã hội đương thời. Đó là lòng nhân bản “mọi giáo ly đều tuân theo tính tự nhiên của con người mà tu dưỡng đạo đức” (26). Giá trị của bài văn bia chính là ở chỗ đó. Bài văn bia như vậy, ngôn từ hết sức hàm súc trau chuốt, làm phong phú thêm văn phong bác học.

Bên cạnh những bài văn bia này là những bài văn bia thuần túy ghi chép công việc. Đôi khi chỉ có vài dòng nêu lý do dựng bia, còn lại kể công việc và người công đức đóng góp tiền của. Văn bia này ngôn từ mộc mạc, giản dị. Nhiều câu văn dường như là câu khẩu ngữ của người Việt “tả văn bi” (viết văn bia). Đây là những bài văn tiêu biểu cho văn phong bình dân.

Tác giả của văn bia loại trên phần lớn là những người khoa bảng, của loại dưới là người địa phương. Trong số những bậc danh nho đó có những tác giả khá nổi tiếng như Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm; Lễ độ bá Vũ Can Chức, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ kiêm Hàn lâm viện chính trị thượng khanh. Có những vị soạn 5 bài văn bia như Tiến sĩ khoa Bính Thìn Đỗ Uông, chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các học sĩ nhập thị kinh diên, trụ quốc. Hồng phúc tùng viện tước Phúc Khê bá…

Những bài văn bia đó bổ sung thêm vào các trứ tác của các tác gia lớn ở thế kỷ XVI.

Điều chú ý nữa là trong văn bia Mạc, ta rút ra được một sưu tập chữ Nôm thời Mạc. Chữ Nôm ở đây chưa được dùng thành một bài văn bia hoàn chỉnh như một số bài văn bia ở thế kỷ sau mà chỉ dùng xen kẽ trong câu văn chữ hán, số khác là ghi tên người, tên đất. Những chữ Nôm này xuất hiện trên cả bia do các vị khoa bảng soạn và bia do người địa phương soạn. Tuy nhiên chúng đầu được sử dụng một cách khá thống nhất. Cái thống nhất trước hết là ở mục đích dùng chữ Nôm làm phương tiện ghi âm Việt. Ví dụ: “Ngã ba đường’ nghã là chỗ có ba đường rẽ thì ghi chữ ngã ( ) là tôi, chữ ba không phải là số 3. Hoặc “cửa quan”: “Cửa” ghi chữ “cử’ đọc chệch thành “cửa”, “quan” ghi chữ “quan” là quan sát, không ghi chữ “quan” là “quan lại”

Chữ Nôm chỉ chú ý đến âm, không chú trọng đến nghĩa của chữ; chỉ có phần âm bàng (chỉ âm), không có phần nghĩa bàng (chỉ nghĩa) là dạng chữ Nôm cổ. Từ thế kỷ XVII trở đi, chữ Nôm đã có cấu tạo hoàn chỉnh: cả phần chỉ nghĩa và phần chỉ âm. Ví dụ cùng là chữ “cửa” đọc chệch của “cử” nêu ở trên thì sau thêm bộ “môn” ở bên cạnh cho rõ nghĩa. Chữ “ba” thêm chữ “tam’ ở bên…

Những chữ Nôm này vừa có giá trị về mặt văn bản học vừa có giá trị trong việc nghiên cứu chữ  Nôm của người Việt.

Về nghệ thuật, ở đây là nghệ thuật trang trí. Sưu tập bia Mạc góp thêm một nguồn tư liệu nghiên cứu về mỹ thuật thời Mạc nói chung, nghệ thuật trang trí thời Mạc nói riêng. Đặc điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật trang trí bia mạc là mộc mạc, giản đơn mà thanh thoát, tinh xảo từ bố cục đến kỹ thuật chạm khắc. Cái bố cục phổ biến nhất trên trang trí bia Mạc là đăng đối. Cùng là hai rồng chầu thì một rồng đuôi cong lên, môt rồng đuôi cụp xuống. Cũng là hoa văn móc thì đường móc bên phải ngược chiều với đường móc bên trái, đường xoắn phía trên ngược chiều với đường xoắn phía dưới. Trên trán bia đôi khi chỉ có một hình mặt trời to tròn với vài tua mây, trên diềm bia chỉ là đường uốn lượn hai bên trở ra, những hoa văn xoắn được thể hiện bằng những đường khắc chìm sắc, gọn mềm mại trông cũng rất hài hòa, đẹp mắt.

Kỹ thuật chạm khắc này trên những tấm bia không đồ sộ, phù hợp với bài văn bia ngắn gọn, phản ánh thực trạng xã hội đương thời, khẩn trương, thực dụng và kinh tế. Kỹ thuật đó định hình thành một phong cách chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật trang trí thời Mạc. Phong cách này còn được tiếp nối vào nửa đầu thế kỷ XVIII.

 

Sưu tập bia mạc rõ ràng là một nguồn tư liệu không thể thiếu được khi nghiên cứu về nhà Mạc và xã hội thời Mạc. Đây là những trang “sử đá” khá tin cậy và đa dạng nên cần bổ sung thêm để hoàn chỉnh hơn, đồng thời sớm được biên dịch để phục vụ rộng rãi những công trình nghiên cứu về thời Mạc.

 

CHÚ THÍCH.

  • Ký hiệu bản dập bia tại kho bia Viện nghiên cứu Hán Nôm.
  • Xem Đinh Khắc Thuân “Một số vấn đề về niên đại bia Việt Nam”, tạp chí Hán Nôm số 2-1987, tr 26.
  • Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, tập III Nxb KHXH, 1971.
  • Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, nxb KHXH, 1968, tr 133.
  • Xem bản dập bia No 728 và No 13180.
  • Xem bia Phượng Tường tự bi ký ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phú). No 14388.
  • Xem bản dập bia No 9894, No 12887.
  • Xem bia Tu cấu Viên Quang khán bi ký ở xã Hậu Bảng, huyện Gia Lộc (Hải Hưng, No 13111). Bia số 10060.
  • Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, sđd, tr 122
  • 11) Xem bản dập bia No 9869, No 9539.

12) Xem một số bản dập bia số No 8294, No 10645, No 1854, No 1311, No 2696.

13) Xem các bia số No 1854, No 8294, No 3853, No 8515, No 10286, no 4368…

14) Bia An Định tự bi, xã Hùng Thắng, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng (no 12579).

15) Bia Nguyễn Kiều thị bi, Hưng Hà, Thái Bình (No 3007)

16) Bia Sùng Khánh tự bi dựng năm Diên Thành thứ 6 (1583), xã Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân             (Hà Nam Ninh).

17) Bia số No 9869.

18) Bia số 14288

19) Bia Cấu tác tân đình. No 3853.

20) Bia An dưỡng tự bi. No 4757.

21) Bia Sùng Ấn tự bi. No 8518.

22) Bia Thúy các bổ kinh, chùa Thầy, Hà Sơn Bình. No 1224 và bia Cam Lô tự bi, huyện Thanh Oai, Hà Sơn Bình.

23) Bia No 8202.

24) Xem bản dập bia No 128123.

25) Xem nội dung văn bia No 4662.

26) Xem Vũ Tuân Sán, Đinh Khắc Thuân: Bài văn bia tạo tượng Tam giáo ở chùa Cao dương của Trình Quốc công. Tạp chí Hán Nôm số 2, 1990.

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024