Các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bắc Giang

PV : Phi  Hùng

Sau 15 năm đánh giá và công bố PCI đã dần trở thành một công cụ quan trọng giúp chính quyền các địa phương nhìn nhận rõ hơn các vấn đề trong điều hành hoạt động kinh tế của mình và định hướng điều chỉnh để cải thiện năng lực điều hành,thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với doanh nghiệp, PCI là nguồn thông tin giá trị cho việc xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại một địa phương. Với nhà nước, đây là thước đo cho thấy những khoảng cách phải san lấp trong chính sách, giữa thiết kế và thi hành, giữa tập trung và phân quyền, giữa ý tưởng chính sách và đòi hỏi của cuộc sống, của doanh nghiệp và người dân – đối tượng quan trọng nhất mà mọi chính sách phải phục vụ.

Nhận thức được điều đó,ngay từ đầu nhiệm kỳ tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 06/5/2016 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bản tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 30/06/2016 nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ công chức của các cơ quan hành chính nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trong việc chủ động đối thoại tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách TTHC đã từng bước tạo niềm tin đối với doanh nghiệp.Qua đó, kết quả môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện thông qua điểm số PCI liên tục tăng.

Năm 2016 đứng thứ 33/63, năm 2017 đứng thứ 30/63, năm 2018 đứng thứ 36/63 và năm 2019 đứng thứ 40/63. Như vậy, năm 2019 tỉnh Bắc Giang có 6 chỉ số tăng điểm, đó là: Tính minh bạch; tiếp cận đất đai; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Tuy nhiên, Bắc Giang có 4 chỉ số giảm điểm, đó là: Chi phí gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp chưa được niêm yết công khai; cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục hành chính chưa rõ ràng, đầy đủ; thời gian đăng ký doanh nghiệp tăng lên; số cuộc thanh, kiểm tra trong năm tăng, trong khi đó nhiều nội dung lại trùng lặp; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phổ biến vẫn ở mức cao (56%); tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp giảm từ 0,82% năm 2018 xuống còn 0,36% năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giảm từ 65,38% năm 2018 xuống còn 47% năm 2019…Vấn đề này nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và thực hiện mục tiêu phát triển KT- XH của tỉnh trong thời gian tới.

Với mục tiêu năm 2020, tỉnh Bắc Giang phấn đấu xếp hạng PCI sẽ nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp các DN sớm gia nhập thị trường, bắt tay vào kinh doanh, sản xuất, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành phải thực hiện các chỉ tiêu thành phần thực chất hơn; duy trì và hoạt động hiệu quả tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, xử nghiêm cán bộ công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số: Tính minh bạch; tiếp cận đất đai; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự để tiếp tục nâng cao.

Ba là, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19.

Bốn là,  đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Củng cố bộ phận “một cửa” tại các cấp và một số ngành. Các cơ quan đơn vị phải chọn những cán bộ nắm chắc nghiệp vụ, đủ khả năng hướng dẫn giải thích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Công khai trình tự thủ tục, mẫu hoá tất cả các văn bản và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới trong tư duy, nhận thức và hành động khi thi hành công vụ, chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện phương châm “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ và “5 không”: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.

Năm là, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia hiệp định EV-FTA và EV-IPA.

Sáu là, tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp.

Bảy là, phát huy tốt hơn vai trò “cầu nối” của các Hiệp hội doanh nghiệp để các chính sách của tỉnh lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp, đồng thời để thành phố nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ.

Tám là, các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông tăng cường giám sát, kịp thời phản ánh, thông tin cả những mặt tích cực và hạn chế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến thủ tục hành chính…

Chín là, cổng thông tin điện tử của tỉnh và các website của các sở, ngành, huyện, thành phố cập nhật kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động kinh doanh của các DN. Trong đó, rất cần công khai minh bạch về quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách, quan điểm của Nhà nước, của tỉnh về thu hút đầu tư; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, cách lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất…

(Tạp chí Môi trường và sức khỏe)

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024