Đầu tư năng lượng tái tạo: Có dấu hiệu ‘đẻ’ thêm thủ tục

Thông tin trên được các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện mặt trời, khu công nghiệp… phản ánh tại Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam lần 1 vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Tăng “nóng” nên có nhiều quy định “chèn” thêm (?!)

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam lần 1 do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Hội đồng khoa học tạp chí Năng lượng và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức. Thông tin tại diễn đàn, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết do chưa có hướng dẫn rõ ràng về công tác quản lý xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), nên một số địa phương đã ban hành các thủ tục, quy định riêng theo hướng hạn chế, gây ảnh hưởng đến nhu cầu lắp đặt hệ thống ĐMTMN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN-KCX), cho rằng tiềm lực khai thác nguồn điện tái tạo từ mái nhà của hơn 10.000 nhà máy trong các KCN-KCX là rất lớn. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển “nóng”, đến nay, có quá nhiều quy định, văn bản “chen ngang” vào các quyết định mang tính khuyến khích đầu tư của Chính phủ, như quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam đã gây khó khăn cho những nhà đầu tư muốn làm ĐMTMN chỉ để sản xuất, chưa phải bán lại cho Tập đoàn Điện lực VN. “Nào là quy định đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT, rồi quy định phải có giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng với các dự án chính nhà sản xuất tận dụng mái nhà máy để lấy điện như trường hợp mới đây ở Long An… Trong khi trước đây khuyến khích làm thì không có. Thêm vào đó là mỗi địa phương “đẻ” ra một cách quản lý khiến nhà đầu tư muốn tận dụng mái nhà máy để làm điện sản xuất kém mặn mà”- ông Bé dẫn chứng.
Năm 2013, TP.HCM bắt đầu có các hệ thống ĐMTMN nối lưới đấu với tổng công suất 200 kWp, nhưng đến năm 2019, theo đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, công suất ĐMTMN của đơn vị đã lên 66 MWp và tính đến 15.12.2020, đã tăng vọt lên 245 MWp với gần 12.500 hệ thống ĐMTMN. Năm 2020, riêng TP.HCM, tổng sản lượng ĐMTMN phát được khoảng 230 triệu kWh, trong đó lượng đưa vào sử dụng khoảng 161 triệu kWh (chiếm 70%).
Tại Diễn đàn, doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị xung quanh việc sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống ĐMTMN để hạn chế sản phẩm kém chất lượng, thị trường ĐMT mới hình thành nên cần có các quy định hướng phát triển bền vững, đầu tư đường truyền tải, kéo dài thời gian áp dụng giá ưu đãi năng lượng tái tạo (FIT) với điện gió, điện mặt trời…

Kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng giá FIT

Ông Lê Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Mainstream Phú Cường kiêm Giám đốc phát triển dự án Phú Cường Group, cho rằng phát triển điện gió tại Việt Nam vẫn còn quá nhiều khó khăn do khung pháp lý chưa rõ ràng, hạ tầng lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ, nguồn nhân lực tại chỗ chưa có nhiều kinh nghiệm. Đầu tư làm điện gió ngoài việc cần đổ một số tiền rất lớn thì yếu tố kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm vận hành để đảm bảo dự án có tuổi thọ cao, vận hành ổn định trong thời gian dài.
Ông Hùng kiến nghị gia hạn thêm 12 tháng cho cơ chế giá FIT với các dự án điện gió được lắp đặt trong năm 2020 do ảnh hưởng Covid-19, mọi đầu tư, đặt mua thiết bị gián đoạn. Thứ hai là giá FIT mua điện gió theo dự thảo của Bộ Công thương giảm 15 – 18% giai đoạn 11.2021 – 2023 là quá lớn. Nên giảm mức 6 – 7% nhằm hỗ trợ và ổn định đà tăng trưởng đối với các dự án điện trên bờ trong năm 2022 và 2023.
Đại diện Tập đoàn Sao Mai lại ý kiến: “Chúng ta chưa làm gì, chưa triển khai bao nhiêu nhưng mà lo ngại quá xa về pin thải năng lượng mặt trời. Các nước làm điện mặt trời trước chúng ta có ai chất đống ngoài đường không? Chắc chắn nhà đầu tư phải có hướng xử lý. Thế nên, không có chuyện pin dùng xong để làm bò một nắng, vỉ nướng gì gì đâu”.
Không đồng tình, dù là một nhà đầu tư và cung cấp pin năng lượng mặt trời, ông Nguyễn Duy Thịnh, đại diện Công ty SolarESCO (thành viên Công ty SolarBK), cho rằng lượng pin điện mặt trời được đưa vào sử dụng khá lớn, chỉ cần 5% trong số đó thải ra cũng là con số lớn, gây ảnh hưởng môi trường. Thế nên, lúc này mà nghiên cứu xử lý pin năng lượng mặt trời không còn sớm nữa. Nên chăng nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu để chủ động công nghệ sẵn sàng cho việc xử lý pin thải trong tương lai.
Còn ông Nguyễn Văn Bé, kiến nghị nên gia hạn giá FIT với ĐMTMN thêm 6 tháng, thay vì hết thời hạn vào cuối năm nay. Với các dự án ĐMTMN trong KCN, ông Bé nêu câu hỏi là có cần thiết đánh giá tác động môi trường không.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, thông tin hiện tỷ trọng các nguồn điện sạch đã đạt đến 61% tổng công suất đặt của toàn hệ thống. Chỉ trong vòng 2 năm qua, số lượng các dự án năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư được đưa vào vận hành đã có 11 nhà máy điện gió với công suất 494 MW và 106 nhà máy điện mặt trời có công suất 5.853 MW. Theo thống kê, nguồn điện tái tạo đã được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và quy hoạch điện các tỉnh có tiến độ vận hành trước năm 2021, gồm 187 dự án điện gió (công suất 11.419 MW), 135 dự án điện mặt trời (công suất 13.617 MW). Ngoài ra còn khoảng 320 dự án điện mặt trời với công suất 34.000 MW và 300 dự án điện gió với công suất khoảng 74.000 MW đang được các địa phương và nhà đầu tư đề xuất bổ sung Quy hoạch trước năm 2021 – 2023. Về điện khí LNG, cũng có 11 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung quy hoạch quốc gia (tổng công suất 16.100 – 16.400 MW).
Nguồn: thanhnien.com.vn

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024