Hồ Chí Minh với Lê Hồng Sơn

Trần Minh Siêu

 

Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), Pháp là nước thắng trận, nhưng cũng là nước bị tổn thất nặng nề nhất. Để hàn gắn vết thương chiến tranh, chúng đã tăng cường khai thác các thuộc địa. Việt Nam trở thành đối tượng hấp dẫn của tư bản Pháp. Quy mô và tốc độ khai thác đã được chúng đẩy mạnh hơn trước nhiều. Cuộc sống “một cổ hai tròng” của nhân dân Việt Nam càng khốn đốn, điêu đứng. Ngọn cờ khởi nghĩa trên nóc đình làng và các nẻo đường đã vắng bóng. Đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc của các sỹ phu phong kiến yêu nước đã rơi vào tình trạng bế tắc.
Trong bối cảnh lịch sử đó, nhiều thanh niên ưu tú đã tạm biệt gia đình, quê hương, hăm hở rủ nhau đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trong số những thanh niên ưu tú đó có Lê Hồng Sơn.
Sau tiếng vang kinh thiên động địa của quả bom “chính trị”, “yêu sách tám điểm” ở Hội nghị Vecxây (1919), Nguyễn Ái Quốc trở thành ngôi sao Bắc Đẩu, có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những trái tim yêu nước trẻ tuổi Việt Nam. Được gặp Nguyễn Ái Quốc là kỳ vọng của họ trên hành trình cứu nước. Lê Hồng Sơn là một trong những thanh niên may mắn đạt được kỳ vọng đó.
Vào dịp tết năm Canh Thân (1920), Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Đặng Xuân Thanh và bảy người nữa do bà Nhiêu Đỉnh1 dẫn đường, từ nhà bà Hoè và bà Cai Cận ở làng Thông Lạng huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ra đi, vượt Trường Sơn sang Lào, rồi sang Thái Lan.
Với động cơ rõ ràng là “Học tập để làm cách mạng, đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương”2.
Ba tháng sau khi sang Trung Quốc, Lê Hồng Sơn được gặp nhà yêu nước biệt thành Phan Bội Châu tại Quảng Châu, rồi sau đó lại được làm việc và ở với Phan Bội Châu trong nhà Hồ Học Lâm ở Hàng Châu trên 5 tháng. Mặc dù Phan Bội Châu hết sức ca ngợi Lê Hồng Sơn là một thiếu niên sắc sảo, nhưng Lê Hồng Sơn vẫn nhận thấy ở nhà lão thành cách mạng đáng kính này, thiếu một cái gì đó rất quan trọng, dù rằng càng ở gần càng cảm phục nhân cách cao thượng của Cụ, cho nên Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu đã bí mật rời Hàng Châu về Quảng Châu, mà không cho Phan Bội Châu hay biết. Tuy vậy, sau đó Lê Hồng Sơn và Phan Bội Châu vẫn có mối quan hệ mật thiết.
Năm 1923, sân khấu chính trị Trung Quốc có nhiều biến chuyển lớn bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng tháng Mười Nga. Mùa xuân năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng với 7 anh em tâm huyết, trong đó có Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Nguyễn Giảng Khanh,… lập ra Tâm tâm xã.
Tổ chức Tâm tâm xã tự xác định mục đích là: “Rút kinh nghiệm về những bài học thất bại xưa, để lo toan tiến hành công việc sao cho thiết thực”3. Tâm tâm xã là một tổ chức cách mạng bí mật, họ vẫn quan hệ công tác với Phan Bội Châu, nhưng về tổ chức họ tuyệt đối bí mật, Cụ không hề biết.
Tâm tâm xã chủ trương bắt liên lạc với các cơ sở trong nước. Tháng 6 năm 1923, Lê Hồng Sơn lấy danh nghĩa là người của Phan Bôị Châu về nước gặp gỡ các nhà cách mạng để thông báo tổ chức cách mạng mới thành lập và xây dựng cơ sở cách mạng bên trong.
Trong chuyến công cán này, sau khi về Vinh bị lộ, Lê Hồng Sơn ra Hà Nội gặp cụ Lương Văn Can. Qua cụ, Lê Hồng Sơn đã chắp nối với nhà giáo Đinh Chương Dương và một số học sinh trường Thành Chung, Nam Định. Nhờ sự giúp đỡ của Đinh Thanh Chương, Lê Hồng Sơn đã khai phá được con đường giao liên nối nước ta với Quảng Châu. Đó là lộ Nam Định – Hải Phòng – Móng Cái – Đông Hưng – Quảng Châu. Lộ trình này so với lộ trình mà Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu trước đây tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Mùa Đông năm 1923, Lê Hồng Sơn trở lại Quảng Châu theo con đường này. Tiếp đó, Hồ Tùng Mậu được Tâm tâm xã giao nhiệm vụ đem thư của Phan Bội Châu và tài liệu về nước theo con đường này. Nhờ chuyến đi này, Hồ Tùng Mậu đã bổ sung cho Tâm tâm xã một số thanh niên mới hăng hái như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lưu Quốc Long, Lê Thiết Hùng,… và hoàn thành các cơ sở trên tuyến xuất dương mà Lê Hồng Sơn mới thiết lập.
Ngày 15/6/1924, Tôn Trung Sơn và Bơrôđin cắt băng khánh thành trường quân sự Hoàng Phố. Lê Hồng Sơn là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường quân sự Hoàng Phố.
Tâm tâm xã đã giao trách nhiệm cho Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn ám sát toàn quyền Đông Dương là Méc Lanh. Lúc 18h40 phút ngày 19/6/1924, có sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái đã ném quả tạc đạn vào bàn tiệc của bọn thực dân Pháp tại khách sạn Victoiria ở Sa Diện.
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Matscơva lấy tên là Lý Thuỵ về tới trung tâm cách mạng Quảng Châu với danh nghĩa là Thư ký của Bơrôđin, bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn. Thống qua phái bộ Bơrôđin, mà Lý Thuỵ biết được những người Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Châu, đặc biệt là những người đang học tại trường quân sự Hoàng Phố. Thế là diễn ra cuộc kỳ ngộ lịch sử giữa người đi tìm “đất” để gieo mầm cộng sản (Nguyễn Ái Quốc) với những người đang khao khát tìm đường cứu nước, trong đó có Lê Hồng Sơn. Cuộc kỳ ngộ lịch sử này đã diễn ra tại Huệ quần y xã là hiệu thuốc của vợ chồng Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ) đặt cạnh khu Đông Sơn, thành phố Quảng Châu.
Qua đối thoại cởi mở, chân thành, Lý Thuỵ cảm động, vui mừng thấy Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu đều là những thanh niên thông minh, hoạt bát, trí dũng, tương lai sẽ là những cốt cán đắc lực cho sự nghiệp cứu nước. Trước khi ra về Lý Thuỵ không quên dặn dò Lê Hồng Sơn không nên lấy tên là Lê Tán Anh, vì như vậy chẳng khác gì mình tự giới thiệu mình là người Nam Đàn xứ Nghệ.
Sau cuộc hội ngộ ở Hội quần y xã, Lý Thuỵ gặp riêng từng nhóm vài ba người để huấn luyện quan điểm cách mạng mới và con đường phát triển cách mạng tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Tháng 2 năm 1925, Lý Thuỵ lập Cộng sản đoàn gồm có 9 người, trong đó có Lê Hồng Sơn là hạt nhân của tổ chức. Sau đó 4 tháng, dưới sự lãnh đạo tài tình của Lý Thuỵ, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng ra đời. Lê Hồng Sơn được cử vào Tổng bộ và giữ vị trí ấy cho đến khi tổ chức này hết vai trò lịch sử.
Được sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ Đảng Cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông và chính phủ cách mạng Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện chính trị tại gác 2 nhà số 13 và 13B đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250), đối diện với trường đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng cách mạng Quảng Châu).
Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao làm giảng viên phụ, hướng dẫn các học viên học tập, đồng thời phụ trách việc liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và mới các giảng viên đến giảng tại lớp huấn luyện.
Khi Nguyễn Ái Quốc ra báo Thanh niên, Lê Hồng Sơn được giao nhiệm vụ phụ trách ấn loát và có viết một số bài cho báo. Lê Hồng Sơn còn giúp Nguyễn Ái Quốc biên dịch các tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Lê Hồng Sơn cũng được Nguyễn Ái Quốc giao trực tiếp phụ trách nhóm thiếu nhi, lo cho các em học văn hoá, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, để các em được kết nạp vào Cộng sản Đoàn.
Được sự đồng ý của Liêu Trọng Khải, Nguyễn Ái Quốc tổ chức hội “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Châu”, Lê Hồng Sơn được giao phụ trách ban tuyên truyền và uỷ viên Chưởng ấn4.
Bước sang năm 1927, tình hình chính trị Trung Quốc chuyển biến theo chiều hướng xấu. Tối ngày 15/01/1927, lực lượng phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch do Lý Thừa Mãn (Lý Tế Thâm) chỉ huy làm đảo chính ở Quảng Châu, các thành viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đều bị liên luỵ. Đầu tháng 5/ 1927 Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí nữa bị bọn phản cách mạng bắt giam. Nguyễn Ái Quốc lúc đó bị Trương Vân Lĩnh đang làm việc trong Công an cục thành phố Quảng Châu mật báo cho biết bọn địch đang lùng bắt nên Người đã kịp thời rời Quảng Châu đi Hương Cảng rồi lên Thượng Hải, xuống tàu viễn dương đi VơLa đi Vôxtốc (Liên Xô). Tháng 10/1927 do sức ép của dư luận tiến bộ và nhất là sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Trung Quốc nên Lê Hồng Sơn được trả tự do.
Vừa ra tù, Lê Hồng Sơn phối hợp với Hồ Tùng Mậu khẩn trương chuẩn bị mở lớp học mới, đây là lớp huấn luyện chính trị đầu tiên vắng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được mở, trong lớp có những học viên như Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Lê Hồng Nhật… Lớp học đạt kết quả tốt đẹp.
Ngày 11/12/1927, cuộc khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ. Trong khí thế hào hùng của cách mạng, Lê Hồng Sơn cùng các thành viên của Việt Nam thanh niên cách mạng có mặt tại Quảng Châu đã hăng hái tham gia chiến đấu tấn công kẻ thù.
Quảng Châu công xã chỉ tồn tại được 3 ngày, rồi bị tàn sát, một số anh em bị bắt, trong đó có Lê Hồng Sơn. Nhưng sau 9 tháng giam cầm, bọn địch phải tuyên bố trục xuất Lê Hồng Sơn ra khỏi Quảng Châu và Hương Cảng.
Ngày 01/5/1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam thanh niên cách mạng họp ở Hồng Kông. Tuy Nguyễn Ái Quốc vắng mặt, nhưng Lê Hồng Sơn đã được Người huấn luyện, giáo dục, trang bị cho những hiểu biết cần thiết nên đã có những đóng góp rất quan trọng đưa phong trào cách mạng tiếp tục phát triển đi lên. Lê Hồng Sơn đã vận động những người trung thành với đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đấu tranh gạt bỏ được Lâm Đức Thụ ra khỏi danh sách Tổng bộ và đưa được Hồ Tùng Mậu còn ở trong tù vào danh sách Tổng bộ.
Sau Đại hội, lê Hồng Sơn họp BCH mới của Tổng bộ lập ra “Hội trù bị tổ chức cộng sản”, dự thảo điều lệ và kế hoạch tổ chức Đảng.
Tháng 6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập.
Tháng 8/1929, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu quyết định thành lập An Nam cộng sản Đảng. Đảng mới thành lập được đặt dưới sự lãnh đạo của 4 người: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt và Lê Quý Điểm. Mặc dầu thành lập sau, trong thế bị động, nhưng An Nam cộng sản Đảng ý thức được nguy cơ chia rẽ trong phong trào công nhân nên đã chủ động kêu gọi hợp nhất hai tổ chức cộng sản. Thư của Lê Hồng Sơn đề ra ngày 29/9/1929 có đoạn như sau: “…Nếu chúng ta không gắng sức lập càng sớm càng tốt một Đảng cộng sản thống nhất, thì sợ rằng chúng ta sẽ trở thành hai nhóm khác biệt một Bắc, một Nam. Khi 2 Đảng đã thành lập xong xuôi thì chúng ta không thể kết hợp lại một được nữa. Lúc đó, chúng ta kêu gọi đến Đệ tam Quốc tế giải quyết hay sao?”5.
Tháng 9/1929, những Đảng viên ưu tú của Đảng Tân Việt ra tuyến bộ thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn.
Trước tình hình nóng bỏng đó, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu đã cử Trương Văn Lĩnh cầm thư sang Thái Lan báo cáo cụ thể với Nguyễn Ái Quốc6.
Từ một ngôi chùa ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc lấy danh nghĩa đại diện của Quốc tế cộng sản lập tức trở lại Hương Cảng triệu tập Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Trong Hội nghị này, Lê Hồng Sơn tham gia với tư cách là cán bộ lãnh đạo hải ngoại.
Như vậy, từ quá trình “đỏ hoá thanh niên” đến hội nghị thống nhất các tổ chức Đảng thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, một sự kiện đặc sắc trong pho vàng lịch sử cách mạng Việt Nam có một phần công lao của Lê Hồng Sơn.
Sau khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Lê Hồng Sơn được Nguyễn Ái Quốc phân công ở lại hoạt động trong chi hội Việt nam của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.
Ngày 6/6/1931, lúc ấy Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Tống Văn Sơ bị mật thám Anh bắt tại số nhà 186 phố Tam Kung (Cửu Long)7. Đến ngày 25/9/1932, Lê Hồng Sơn bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở Thượng Hải, rồi giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương.
Như vậy, kể từ khi Lê Hồng Sơn được gặp Lý Thuỵ (Nguyễn Ái Quốc) ở Huệ quần y xã, thành phố Quảng Châu (tháng 11/1924) đến khi bọn phản động Lý Tế Thâm bắt giam (tháng 5/1927) và Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Trung Quốc sang Liên Xô (tháng 5/1927) chỉ trong một thời gian gần 30 tháng, Lê Hồng Sơn đã được Nguyễn Ái Quốc giáo dục, rèn luyện, dìu dắt đã trưởng thành vượt bậc nhanh chóng như Lê Hồng Sơn đã nói: “Vào thời kỳ ấy (1920), tình cảm của tôi chưa được xác định rõ ràng. Tôi có nghe nói Đề Thám và Phan Bội Châu nhưng chưa được giáo dục cách mạng”, đã trở thành người cách mạng kiên định theo lập trường chủ nghĩa Mác – Lê nin do Nguyễn Ái Quốc truyền thụ và là một trong những sáng lập viên của Đảng cộng sản Việt Nam.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt (6/6/1931). Lê Hồng Phong rơi vào tay giặc và anh dũng hi sinh, nhưng Lê Hồng Sơn vẫn một lòng một dạ nỗ lực chiến đấu cho sự nghiệp của Đảng như ông đã nói tại Tổng Nha liêm phóng Đông Dương ngày 24/10/1932: “…Từ khi tôi biết rằng hoạt động của tôi có hữu ích cho phong trào cộng sản, tôi quyết định toàn tậm phục vụ cho sự nghiệp này”.
Lê Hồng Sơn và chủ tịch Hồ Chí Minh có quan hệ biện chứng khăng khít, tác động lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau để rồi cùng phát triển lên tầm cao của thời đại mới.
Lê Hồng Sơn ít hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh 9 tuổi (1890 – 1899), cùng sinh trưởng ở huyện Nam Đàn, một vùng quê được cả nước tôn vinh là “địa linh nhân kiệt”. Gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Lê Hồng Sơn đều là gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, đều sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà đã đắm chìm trong cảnh nô lệ, tiếng súng diệt thù của các thế hệ cha anh tuy đã lắng, những vẫn còn hấp dẫn cả một lớp thành niên trái tim đang sôi động kỳ vọng cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước trước Lê Hồng Sơn 9 năm (1911 – 1920). Lòng yêu nước cháy bỏng, khát vọng tìm đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc đã tạo nên duyên kỳ ngộ giữa Lê Hồng Sơn và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi gặp nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, là lãnh tụ kính yêu, Lê Hồng Sơn là học trò xuất sắc, là chiến sỹ kiên cường, dũng cảm chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có người cộng sản kiên cường, bất khuất, người cán bộ xuất sắc của Đảng, là một trong những sáng lập viên Đảng cộng sản Việt Nam – Lê Hồng Sơn.

(1) Bà Nhiên Đỉnh là vợ của Lê Văn Tân, lúc đó đang hoạt động ở Phề Chịt, Thái Lan.
(2) Theo bản “hỏi cung Lê Văn Phan tức Lê Hồng Sơn” tại Tổng nha Liêm phóng Đông Dương ngày 14/10/1932 và những ngày tiếp theo.
(3) Trích “Các tổ chức tiền thân của Đảng”, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, nhà xuất bản năm 1977, trang 230.
(4) Người được giữ con dâu
(5) Theo tài liệu Nguyễn Tùng
(6) Lúc đầu Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu cho rằng Nguyễn Ái Quốc đang ở Liên Xô nên cử Lê Duy Điểm đi Matscơva đón Người về. Nhưng sau qua liên lạc với Cao Hoài Nghĩa cho biết vừa gặp Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan nên đã cử Trương Văn Lĩnh thay Lê Duy Điểm.
(7) Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tiền sử, NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 86.

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024