HOÀNG GIÁP THƯỢNG THƯ BỘ LẠI LAN XUYÊN BÁ PHAN ĐÌNH TÁ

Cụ Phan Đình Tá sinh năm 1468 tại xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tính đến nay 555 năm, Khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông, ngày 09/7/1499 thi điện, ngày 16/7/1499 vua truyền loa xứng danh, cụ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, được xếp thứ 7 trong số 24 người trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân của khoa thi đó. Cụ là một trong bốn Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân cho huyện Thiên Lộc xưa, góp phần làm rạng danh đất học Thiên Lộc (hiện còn lưu giữ ở phó ý đại tông và thần chủ của ngài). Tháng 12 năm 1499 khoa thi đó có được dựng bia nhưng nay không thấy. Khoảng năm Quang Thiệu thứ 3 đời Lê Chiêu Tông, cụ lĩnh chức Thừa Chánh sứ Nghệ An. Về sau tháng 10/1518 Triều đình tuy biết ông là người bản trấn, muốn đưa ông ra giữ Thừa chánh sứ Kinh Bắc, bèn cử bổ Thừa chánh sứ Kinh Bắc là Phạm Khiêm Bỉnh vào Nghệ An (tr 1035 – Đại Việt sử ký toàn thư). Song không muốn xa quê, ông tâu xin cho vẫn ở lại Nghệ An, khi ấy Phạm Khiêm Bỉnh đã vào lĩnh chức ở Nghệ An, nên ông và Phạm Khiêm Bỉnh cùng chung một lỵ sở, cùng quản lĩnh xứ Nghệ An. Trong khoảng năm Thống Nguyên (1522-1526), cụ được thăng chức Thượng thư bộ Lại, tước Lan Xuyên Bá, tháng 4/1527 Lê Cung Hoàng sai Trùng Dương Hầu Vũ Hữu (90 tuổi đã nghỉ hưu), Lan Xuyên Bá Phan Đình Tá và Trung sứ Đỗ Hữu Đễ phụng sắc đi phong cho Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương.

Sau đó, cụ làm quan nhà Mạc, cụ giữ chức Thượng thư bộ Lại. Cụ được thay lời Mạc Đăng Dung soạn bài chiếu nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Trong thời gian làm quan nhà Mạc, đến tháng 2/1528 cụ được phong tước hầu, được triều đình ban phong “Lưỡng triều Thượng thư”. Đến năm Mạc Đại Chính thứ 7 tức năm Bính Thân (1536) cụ cáo quan về quê.

Tại quê nhà cụ khởi xướng mở đường thông thương từ Can Lộc ra Nghi Xuân đi qua truông Ván, đào khe để lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, nhân dân trong vùng gọi khe đó là Lan Khê. Cụ được nhân dân trong vùng tôn kính gọi là cụ Hầu Thượng Lan. Trong thời kỳ phân tranh Lê – Mạc đến giai đoạn nhà Lê Trung Hưng, bản thân cụ và dòng họ chịu sự nghiệt ngã của quan niệm hẹp hòi thời đó, nên phải bỏ đất Phù Lưu (Mã sơn), một số con cháu của cụ về Trảo Nha (Nghiện thuỷ) sinh sống (theo nghĩa 2 đôi câu đối của tiền nhân để lại), hình thành nên họ Phan Đình – xã Trảo Nha. Cụ mất vào ngày mồng 1 tháng Chạp (chưa rõ năm mất). Mộ cụ táng ở xứ ông Nông, dốc Cửa Dộc, phía Đông Nam đồi Nghèn, có khuôn viên 150 m2. Qua nhiều lần tôn tạo, đến năm 2014, con cháu quyết định tôn tạo lại lăng mộ cụ bằng chất liệu đá xanh, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, chưa tính đóng góp ngày công của con cháu.

Điện thờ cụ cùng với các vị Tiên tổ, Khởi tổ, Thuỷ tổ và các bậc tiền nhân của dòng họ được xây dựng từ xa xưa. Mãi đến năm 2010 con cháu mới biết chính xác là: Xây dựng vào đầu mùa thu năm 1732 nhờ phát hiện được hàng chữ “Long Đức Nhâm Tý, thu mạnh, tạo tác” trên ván ấm Thượng điện. Tính đến nay đã gần 300 năm, tọa lạc trên một khu đất rộng 626 m2, mặt trước hướng ra Quốc lộ 1A. Nhà thờ được bảo vệ chu đáo và tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, xung quanh nhà thờ trước đây được ghép bằng những tảng đá lớn để làm tường bảo vệ. Nay quy mô nhà thờ mở rộng, số đá đó vẫn còn nhưng xung quanh được xây tường bao. Trước nhà thờ có tắc môn xa xưa làm vôi hàu, năm 2007 làm lại bằng gạch và vữa xi măng, đến tháng 11/2021 được làm lại bằng đá xanh nguyên khối nhưng vẫn giữ nguyên bản cốt, Với tâm niệm:

“Tổ đức cao minh tư phúc ấm.

Tôn thừa phụng sự thọ nhân hoà”

Tại tắc môn trước cổng nhà thờ, có hai dòng chữ

易 盍 不 可 貞

肅 中 立 不 侍

Phiên âm:

Dịch hạp bất khả trinh

Túc trung lập bất thị

Dịch nghĩa

Đổi thay đâu phải là không trung trinh

Nghiêm cẩn, đứng giữa mà không luồn cúi ai

Phan Tân – Hậu duệ của cụ Phan Đình Tá

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024