MỐI QUAN HỆ GIỮA PHẠM HOÀNG SAN VỚI ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ

Chân dung ông Phạm Hoàng San. Ảnh: TL

Đồng chí Trần Phú (1904 – 1931) là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cả cuộc đời đồng chí là một tấm gương sáng về một người cộng sản mẫu mực, đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Xứ Nghệ – quê hương đồng chí Trần Phú là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Từ xa xưa, dân xứ Nghệ nổi tiếng với ý chí quật cường và lòng yêu nước. Giở lại trang lịch sử vàng của dân tộc, dễ thấy nhân dân Hồng Lam đã đóng góp xứng đáng vào bản hùng ca chống giặc ngoại xâm. Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, người dân nơi đây đã không biết bao lần đứng lên chống ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1874, trước họa xâm lăng như tằm ăn lá của thực dân Pháp, văn thân xứ Nghệ do Trần Tấn và Đặng Như Mai đứng đầu dựng cờ “bình Tây sát tả”. Trước lễ tế cờ, Trần Tấn đã kêu gọi “hãy vì lăng miếu tổ tông ngàn đời của cha ông mà cùng nhau đồng lòng dốc sức chiến đấu”. Trần Tấn được nhân dân suy tôn làm “An Nam đại lão tướng quân”. Vì căm tức triều đình nhà Nguyễn hèn nhát cam tâm nhường hết tỉnh này đến tỉnh khác cho thực dân Pháp, nhân dân xứ Nghệ hưởng ứng rất đông. Trong tâm thức của người dân Hồng Lam triều đình và thực dân Pháp đã trở thành kẻ thù của dân tộc. Vì vậy họ cầm vũ khí đứng lên tuyên chiến với kẻ thù của dân tộc “phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”. Khi phong trào Cần Vương dấy lên, nhân dân nơi đây đã hưởng ứng sôi nổi, như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã (1885 – 1889), đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo, đỉnh cao nhất của phong trào Cần vương, nhiều phen gây cho kẻ thù “hồn xiêu phách lạc”.

Phong trào Cần vương thất bại, đầu thế kỷ XX, cả nước dấy lên phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân do Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo.

Cha Trần Phú là Trần Văn Phổ, đỗ Giải nguyên khoa thi Đinh Dậu (1897) đời vua Thành Thái. Sau khi đỗ Cử nhân, ông Trần Văn Phổ được bổ nhiệm làm Giáo thụ ở Quảng Ngãi. Năm 1906, ông lị được bổ nhiệm làm Tri huyện huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cũng là khi phong trào Duy Tân đang diễn ra mạnh mẽ. Năm 1908, phong trào chống sưu thuế diễn ra nhiều nơi khiến cho chính quyền Nam triều và thực dân Pháp lo sợ. Chúng đã thẳng tay đàn áp phong trào. Chúng ra lệnh cho Trần Văn Phổ cùng nhiều quan viên của Quảng Ngãi phải cung cấp lúa, cỏ để làm thức ăn cho ngựa cũng như người phục dịch để đi đàn áp phong trào. Là một người có khí chất, có nhân cách, thương dân, ông Trần Văn Phổ cảm thấy bất lực. Bởi vậy, ông đã lựa chọn tuẫn tiết để giữ trọn nhân cách.

Thân mẫu của Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, người làng xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau khi chồng mất, gia cảnh lâm vào khó khăn nên bà phải mở một ngôi hàng nước nhỏ ở phía tây thành Quảng Ngãi để mở một quán nước mưu sinh. Nhưng vì cuộc khống khó khăn lại buồn phiền, ngày 23 tháng 11 năm 1910 bà Hoàng Thị Cát qua đời. Cha mất, mẹ cũng qua đời, Trần Phú cùng với người em út được chị gái đón về Quảng Trị nuôi nhưng một thời gian ngắn được người dì ruột là Hoàng Thị Khương[1] đón về nuôi. Để thuận lợi cho anh em Trần Phú ăn học, bà Khương đã giao nhiệm vụ cho vợ chồng con trai mình là Thái Thường Tự khanh Phạm Hoàng San và Phan Thị Yến nuôi.

Phạm Hoàng San sinh năm 1882, ở cư trên vùng đất Cổ Đạm, xã Song Lộc, tổng Đặng Xá huyện Chân Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông vốn là hậu duệ của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Theo gia phả của dòng họ Phạm ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì thủy tổ của dòng họ là Phạm Văn Khánh, vốn là hậu duệ của nhà Mạc, gặp biến cố thời cuộc nên ông đổi từ họ Mạc sang họ Phạm chạy vào lánh nạn ở Nghệ An.

Vốn xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, từ nhỏ Phạm Hoàng San theo học Hán Nôm, lớn lên chuyển sang Tây học. Ông thi đỗ thông phán tòa sứ và được bổ nhiệm làm Phán sứ tòa Công sứ Quảng Ngãi. Năm 1913, ông Phạm Hoàng San đổi ra Huế làm Phán sự ở Tòa Công sứ. Trước khi về hưu được chính quyền Nam triều phong làm Hồng lô Tự khanh, rồi làm Thái Thường Tự khanh. Ông là một người mẫn cán trong công việc, được triều đình đánh giá cao. Bản sắc phong ngày 13 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 5 (1930) đã nói rõ: Vâng theo trời trị nước, Trẫm nghĩ: việc ngoại giao với các nước láng giềng tốt, khéo ở phần lời lẽ giao tế; cho nên dựa vào đó để luận xét việc thăng tước lộc. Nay thị độc học sĩ của tòa Sứ, Chánh phán sự Thượng hạng Phạm Hoàng San có sở học thực dụng, thông thạo sách của nước bạn, tòa Sứ thường giao công tác, ghi chép công lao. Nay cải phong Trung thuận đại phu Hồng lô Tự Khanh. Người ai cũng có chỗ sở trường, tùy tài mà được dùng. Nói chẳng hết lời, ai nấy nên gắng hết sức để tròn nhiệm vụ.

Hãy kính noi theo!”.

Tuy là anh em con dì nhưng tuổi tác cách nhau quá xa nên Phạm Hoàng San luôn yêu thương Trần Phú và Trần Danh như con. Ông luôn tạo mọi điều kiện cho hai anh em Trần Phú ăn học. Thời gian ở Huế, Trần Phú được Phạm Hoàng San cho học tại Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba rồi Trường Quốc học Huế. Tại Trường Quốc học Huế, Trần Phú được theo học thầy Võ Liêm Sơn và thầy Lê Văn Miến – những nhà giáo yêu nước. Được hai thầy quan tâm, khơi dậy tinh thần yêu nước nên thời gian học ở Huế, Trần Phú tham gia phong trào học sinh yêu nước. Chính điều này mà Phạm Hoàng San nhiều lần bị mật thám Sogny gọi đến đe dọa vì có con cháu làm cách mạng.

Ông Phạm Hoàng San mất tại Huế ngày 11 tháng 01 năm 1958, tức ngày 22 năm 11 năm Đinh Dậu, thọ 76 tuổi.

Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ), rồi về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Tại Vinh, Trần Phú đã tham gia Hội Phục Việt, rồi tham gia lớp huấn luyện Quảng Châu của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, và trở thành Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Bà Phan Thị Yến quê ở làng Hội Thống, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là người phụ nữ đoan trang, hiền thảo đảm đương mọi việc nội trợ trong gia đình, giúp chồng nuôi dạy con cháu thành đạt. Bà mất 1981 thọ 96 tuổi.

Các con của ông Phạm Hoàng San và Phan Thị Yến cũng có nhiều đóng góp đối với cách mạng như: Đại úy thủy quân Phạm Ngọc Xuân, người thủy thủ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước năm 1946 trên chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ; Phạm Ngọc Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Cu Ba; Đại tá Phạm Chí Nhân, người thể hiện hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

P.Đ.T

[1]. Bà Hoàng Thị Khương là chị gái của bà Hoàng Thị Cát.

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024