Phát huy bản lĩnh, khí chất Việt Nam

“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển” là chủ đề hành động mà Chính phủ đặt ra trong năm 2021 để tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép” phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay lập tức phải bắt tay vào việc, không lơ là, chậm trễ. Các cấp, các ngành cần phát huy bản lĩnh, khí chất của người Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.

Năm 2020, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh.

Vững vàng vượt qua thách thức

Trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Quy mô GDP năm 2020 tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015 và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ tư ASEAN. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh.

Nhìn nhận lại một năm nhiều thách thức, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2020 là năm thành công nhất của chúng ta trong 5 năm (2015 – 2020). Trong năm nay có ba thách thức rất lớn, chúng ta đã đối mặt và vượt qua thành công. Thứ nhất, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, thiên tai, dịch bệnh xảy ra từ đầu năm và kéo dài trong cả năm ở nhiều địa phương, khu vực. Thứ ba, những cạnh tranh về chính trị và bảo hộ mậu dịch ở các khu vực trên thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến dòng chảy thương mại và kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thực hiện nhất quán được các giải pháp linh hoạt để vừa tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Việt Nam là một trong những quốc gia rất hiếm trên thế giới đã khôi phục tình trạng bình thường mới để phát triển kinh tế. Nhờ đó, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt con số khả quan.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là dành ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm; đẩy nhanh chuyển đổi số; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao; tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô…

Kiến nghị về nhiều vấn đề lớn

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vượt qua được những khó khăn, thách thức của năm 2020 là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển”, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn. Chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để tăng tốc từ năm 2022 trở đi.

“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo các địa phương đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2020, thành phố đã triển khai một cách nghiêm túc và chủ động, bám sát tinh thần chỉ đạo của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ, về cơ bản thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Năm 2021, TP Hà Nội xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH, trong đó phấn đấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng khoảng 7,5%. Ngay từ đầu tháng 1-2021, TP Hà Nội sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện tốt phương châm hành động năm 2021 Chính phủ đề ra, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 với 20 chỉ tiêu và chín nội dung trọng tâm. Xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, bởi vậy, thành phố kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội. Hiện, thành phố rất chủ động và khẩn trương phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề xuất, Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Nghị quyết 89 về quy định một số chính sách tài chính, ngân sách đặc thù Hải Phòng để thành phố phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển KT-XH…

Thông qua các tham luận, đại diện của 63 tỉnh, thành phố đã đề xuất 319 kiến nghị về nhiều vấn đề lớn của đất nước, trong đó có nhiều kiến nghị đề xuất các chính sách đặc thù, yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn thực thi.

Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần phát huy bản lĩnh, khí chất của người Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Đồng thời, giao Bộ KH&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo Nghị quyết 01, 02 trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục:

BIA MẠC
12 Tháng Ba, 2024