Định Nam đao, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Thái Tổ, tên húy là Mạc Đăng Dung (1483 – 1541). Đây là một báu vật hơn 500 năm ở Hải Phòng nhìn trên nhiều lĩnh vực, là giá trị biểu tượng cho một dòng họ, một vương triều đã có nhiều thành tựu trong tiến trình lịch sử đất nước.
Số phận chìm nổi của long đao
Long đao có tên gọi là Định Nam đao – cổ vật của dòng họ Phạm gốc Mạc. Gia phả họ Phạm (viết chữ Hán Nôm trên chất liệu giấy gió đã ngả vàng; thời gian lập gia phả được xác định khoảng sau niên hiệu Duy Tân thứ 3).
Hồi cố của con cháu họ Phạm gốc Mạc ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cho biết: Cuối năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, quân Trịnh Tùng tấn công tàn phá Dương Kinh, thân vương Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ Sơn Lăng, Cổ Trai, đã cải trang, mang 500 quân ra trấn giữ Đồ Sơn.
Sau ông giả làm nhà buôn, xuống thuyền lánh nạn, đến đất Kiên Lao, huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ định cư.
Trải qua 4 đời ở Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc phân chi. Trưởng nam, ông Phạm Công An ở lại đất Kiên Lao; thứ nam, ông Phạm Công Úc về định cư ở Ngọc Tỉnh, huyện Xuân Trường; ông thứ ba Phạm Đình Tú đi lập ấp ở Hoành Tây, phủ Thiên Trường.
Theo truyền ngôn của dòng họ, chi trưởng trông coi phần mộ tổ tiên; chi thứ mang theo Long đao về Ngọc Tỉnh định cư; chi út mang theo sách đồng về lập ấp Hoành Tây.
Gia phả dòng họ Phạm gốc Mạc tại Ngọc Tỉnh có ghi: Thời vua Lê Dụ Tông (1728), hai người con trai đức thuỷ tổ Phạm Công Úc là Phạm Công Dực và Phạm Công Dật lên kinh đô thi võ, khoa thi ấy cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình tuyển dụng.
Ông Phạm Công Dực theo vua Lê dẹp loạn, sau được thăng tới chức Đô thống phủ Tả Đô đốc, Lê triều Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dật được phong chức Quản hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô uý, tước Phạm sứ hầu.
Triều Nguyễn (đầu thế kỷ XIV), Long đao của dòng họ Phạm gốc Mạc bị thất lạc. Đến năm 1938, họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tỉnh trùng tu đừ đường, đào hồ bán nguyệt đã tìm thấy Long đao sau hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất. Khi đưa lên, đao bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi và cán đao. Dòng họ rước về từ đường phụng thờ như xưa.
Bảo vật quốc gia

Trải cùng thịnh suy triều đại, nhật nguyệt thăng trầm, thanh Long đao cổ vẫn còn khá nguyên vẹn hình thức, đặc biệt là thần thái, uy dũng của một bảo vật vương triều. Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: Hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, kết tinh tài năng trí tuệ thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn thời đại dân tộc, và những giá trị tinh hoa, mỹ cảm riêng biệt của vùng đất cửa biển Hải Phòng.
Long đao có chiều dài 2,55 m, cân nặng 25,6 kg gồm 3 phần : Lưỡi đao, khâu đao (họng, chuôi cán) và cán đao. Long đao có mũi nhọn, lưỡi có hình tựa bán nguyệt, cán dài. Khâu đao là chốt nối giữa lưỡi đao và cán đao.
Khi tháo lưỡi đao ra, cán đao thành một cây đoản côn. Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (hay còn gọi Nhái Xế), đầu giống rồng, thân có vẩy, miệng há rộng làm bệ đỡ lưỡi đao, răng nanh nhô ra ngoài, có mũi sư tử, trán lạc đà, mắt tròn to, tai hình quạt, từ hốc mắt toả ra hai bên râu đơn, cong, cuộn đầu; phía dưới (cổ) đúc nổi 4 râu tựa đao mác, hai râu giữa đan vắt chéo nhau, các râu bên roãng lượn sóng nhẹ mang phong cách mỹ thuật thời Mạc; thân khâu đao khắc hoa văn tựa vân mây và vẩy rồng. Lưỡi đao và cán đao để trơn, không trang trí hoa văn. Lưỡi đao và chuôi đao có màu đen của sắt; khâu đao có màu nâu ánh đỏ của chất liệu đồng.
Căn cứ phiếu trả kết quả xét nghiệm số 1370 ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Phòng Nghiên cứu thực nghiệm khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học cho biết : Kỹ thuật và vật liệu chế tạo thanh đao là loại hợp kim thuộc thế kỷ 16-17.
Như vậy, dựa trên kết quả giám định của các chuyên gia, long mang phong cách Mạc – Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI – XVII) với hình thức, trang trí tỉ mỉ, tinh tế, chưa từng xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục:
MỐI QUAN HỆ GIỮA PHẠM HOÀNG SAN VỚI ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ
PHÁT HIỆN MỚI TƯ LIỆU BẢN ĐỒ CỔ VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM
BIA MẠC
TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI – VỊ QUAN LIÊM KHIẾT, THẲNG THẮN
HOÀNG GIÁP THƯỢNG THƯ BỘ LẠI LAN XUYÊN BÁ PHAN ĐÌNH TÁ
Lộc Hà (Hà Tĩnh) đón nhận bằng di tích quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển
Tư tưởng trị nước của Nguyễn Bỉnh Khiêm
VỀ BÀI THƠ NÔM SỐ 79 CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT MỘT CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI VIẾT VỀ NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ CỦA NHÀ MẠC TRÊN VÙNG ĐẤT CAO BẰNG VÀ TRUNG QUỐC
Hội thảo Khoa học Quốc gia: Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
SỬ LIỆU TRUNG QUỐC VỀ VIỆT NAM THỜI NHÀ MẠC
Đền An Mạ- điểm du lịch tâm linh trên hồ Ba Bể
ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VIỆC VIẾT VỀ NHÀ MẠC TRONG ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH
TỌA ĐÀM KHOA HỌC: TƯƠNG QUAN TAM GIÁO PHẬT – NHO – ĐẠO THỜI MẠC
Hồ Chí Minh với Lê Hồng Sơn
Ý KIẾN CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC